Nước Mỹ trở lại Đông Nam Á

KÊNH 79 – Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến thăm Singapore và Việt Nam trong tháng 8. Đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền ông Biden tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau bảy tháng cầm quyền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đón tiếp ông Donald Trump (phải) thăm Việt Nam trên cương vị tổng thống Mỹ vào tháng 2-2019 – Ảnh: REUTERS

Thông cáo của Nhà Trắng về chuyến thăm nêu rõ: “Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris đã xem việc tái xây dựng mối quan hệ đối tác toàn cầu và đảm bảo đất nước chúng ta an toàn là ưu tiên hàng đầu, và chuyến thăm sắp tới sẽ tiếp tục công việc đó – làm sâu sắc sự can dự của chúng ta ở Đông Nam Á”.

Đối tác thương mại lớn nhất

Singapore được coi là đối tác thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Còn Việt Nam là đối tác an ninh đang lên, cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.

Ngay trong năm đầu tiên sau khi nhậm chức, tổng thống Trump cũng đã tới thăm Hà Nội vào tháng 11-2017. Chuyến thăm dự kiến của bà Harris được nhận định sẽ đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ song phương, khi các lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ đã chọn thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động ngoại giao đa phương tạm lắng, việc đẩy mạnh các quan hệ song phương của Mỹ với các nước chủ chốt ở Đông Nam Á không chỉ thể hiện tầm quan trọng của các quan hệ đó, mà còn mang ý nghĩa lớn hơn về cam kết ưu tiên của Mỹ với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy.

Sự gắn kết với khu vực Đông Nam Á của ông Biden bắt đầu từ khi ông còn làm cấp phó của tổng thống Barack Obama. Sau gần 10 năm nước Mỹ gắn chặt với Trung Đông dưới thời tổng thống George W. Bush, chính quyền Obama – Biden bắt đầu quan tâm trở lại khu vực Đông Nam Á.

Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần đầu tiên được tổ chức trên đất Mỹ ở Sunnylands (California) hồi đầu năm 2016, tổng thống Obama nhấn mạnh: “Ít có khu vực nào trên thế giới tạo nhiều cơ hội trong thế kỷ 21 hơn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao tôi quyết định nước Mỹ, một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ tái cân bằng chính sách đối ngoại và giữ vai trò lớn hơn và lâu dài ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này cũng bao gồm sự can dự của Mỹ đối với Đông Nam Á và Tổ chức ASEAN vốn thiết yếu đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Trump đã bỏ lỡ một số cơ hội quan trọng để thể hiện sự ưu tiên nhất quán đối với khu vực này.

Ông Trump đã bỏ không dự các cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Chức vụ đại sứ Mỹ ở ASEAN vẫn chưa được đề cử và bổ nhiệm từ năm 2019 và kéo dài đến nay. Chính quyền Tổng thống Biden cố gắng sửa chữa điều này nhưng vẫn không tránh khỏi những sự cố.

Cuối tháng 5 vừa rồi, ngoại trưởng các nước Đông Nam Á chờ đợi cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, nhưng cuối cùng cuộc họp đó không diễn ra vì sự cố kỹ thuật. Các quan chức ASEAN đã phải chờ gần một tiếng và đây được coi là sự thất vọng của họ với hội nghị đa phương Mỹ – ASEAN.

Trong khi đó, Trung Quốc đã không bỏ lỡ điều này để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Chưa đầy hai tuần sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có cuộc gặp gỡ những người đồng cấp đến từ ASEAN tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) và đề nghị nâng tầm quan hệ Trung Quốc – ASEAN lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Sự trở lại thực chất

ASEAN có dân số khoảng 650 triệu người. Theo số liệu từ Trung Quốc, năm 2020 ASEAN lần đầu tiên vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thương mại hai chiều đạt 731 tỉ USD. Còn Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ 12 năm nay.

Trong khi đó, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Biển Đông là khu vực hằng năm có hơn 5,3 ngàn tỉ USD hàng hóa đi qua. Chính vì tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị, Đông Nam Á trở thành chiến tuyến quan trọng trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á bằng ngoại giao vắc xin. Nước này đã viện trợ vắc xin cho các nước ASEAN 30% (hơn 7 triệu liều) trong tổng số 25 triệu liều Trung Quốc viện trợ miễn phí cho thế giới. Lào và Campuchia nhận nhiều nhất, với khoảng 2 triệu liều mỗi nước. Trong khi đó, Mỹ đã viện trợ 40 triệu liều vắc xin cho Đông Nam Á và vùng lãnh thổ Đài Loan mà không kèm theo điều kiện nào.

Do đó, chuyến thăm của bà Harris nhằm truyền đi thông điệp của nước Mỹ từ cấp cao nhất rằng nước Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo cũng như bảo đảm an ninh, cung cấp hàng hóa công cho các quốc gia trong khu vực.

Diễn ngôn của bà Harris được dự đoán sẽ “đồng thanh tương ứng” với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua. Đó là tập trung khắc họa hình ảnh nước Mỹ là một đồng minh và đối tác tin cậy của ASEAN trong cuộc chiến chống COVID-19, phục hồi sau dịch và duy trì một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.

Nước Mỹ đã trở lại khu vực Đông Nam Á bắt đầu từ những chuyến thăm cấp cao nhưng không bắt các quốc gia này phải chọn phe. Nước Mỹ đang chứng tỏ họ ưu tiên khu vực này với những hành động thực chất hơn.

https://tuoitre.vn/nuoc-my-tro-lai-dong-nam-a-20210731230018646.htm

Người xem: 0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *