Phim về Đại tướng và những cuộc gặp đặc biệt

Nhận lời làm phim chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghĩa là NSƯT Trịnh Quang Tùng chấp nhận thách thức không nhỏ. Đổi lại, đạo diễn tự thấy cơ hội nhìn sâu vào lịch sử để hiểu thêm về một vị tướng tài, một nhân cách lớn.

Phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Một huyền thoại” phát sóng đúng kỷ niệm 110 năm sinh của Đại tướng

Cơ duyên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Một huyền thoại là tác phẩm tài liệu điện ảnh đặc biệt-món quà nhân kỷ niệm 110 năm sinh của người. Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương dành ra hai tháng trời bám trụ Hãng phim để hoàn thành khâu hậu kỳ, trau chuốt từng khung hình cho tới đúng trước hôm phát sóng 25/8.Chỉ khi ấy đạo diễn Trịnh Quang Tùng mới đủ nhẹ nhõm để giãi bày về đứa con tinh thần đặc biệt này.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng và cụ bà Bàn Thị Chủ-người đưa cơm cho Tướng Giáp

Không lạ lẫm với thể loại phim chân dung, nhất là phim chân dung tiền bối cách mạng, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Một huyền thoại, Trịnh Quang Tùng cảm nhận khó khăn trở ngại đón chờ trước mắt. Là bởi anh đếm không hết số phim tài liệu, điện ảnh, truyền hình nói về Đại tướng, cả trong nước lẫn quốc tế.

Cảm xúc ngày 4/10/2013 ùa về khi đạo diễn trăn trở tìm cách kể chuyện cho bộ phim đương hình thành. Anh nhớ lại rừng người xếp hàng trước cung đường Hoàng Diệu, kiên nhẫn chờ được bước vào căn nhà số 30 để đứng trước di ảnh viếng Đại tướng. Với vai trò là những người ghi lại những thước phim tư liệu đó, anh ngộ ra thêm về con người Bác Giáp.

“Thời điểm đó có lẽ không ai tưởng tượng được quang cảnh hàng nghìn người chờ viếng Đại tướng, có lẽ chỉ sau lễ viếng Hồ Chủ tịch. Trước đó có thể người ta quý mến, trân trọng Bác Giáp, nhưng chỉ tới khi ông rời cõi tạm người ta mới chứng kiến sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Tôi nghĩ mình không còn quá trẻ, vừa đủ để hiểu được, lòng dân lúc ấy không phải ngẫu nhiên mà như vậy. Ấy chính là tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với con người làm nên dấu ấn đẹp và vĩ đại trong lịch sử dân tộc, với một vị tướng tài ba mà mỗi ngày sống đều vì đất nước vì nhân dân”, Trịnh Quang Tùng nhớ lại.

Kỷ niệm đáng nhớ bên tượng Bác Hồ chỉ đạo chiến dịch Đông Khê. Ảnh: NVCC

Xa hơn chút nữa, Trịnh Quang Tùng nhớ về cơ duyên duy nhất được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2010, anh giữ vai trò quay phim cho bộ phim Bác Hồ, sự cảm hóa kỳ diệu. Chỉ hơn một giờ đồng hồ ngắn ngủi tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh cảm nhận được trước máy quay là một vị tướng bình dị, ấm áp, không có khoảng cách với dân, cũng là con người văn võ song toàn và vô cùng thông tuệ. Bác Giáp giải đáp nhiều câu hỏi khó, kể lại nhiều câu chuyện cảm động và chân thực về Hồ Chủ tịch-người thầy lớn của Đại tướng.

Những cuộc gặp đặc biệt

Trịnh Quang Tùng tự tạo áp lực cho bản thân, nhất là ở khâu tìm cho bằng được những tư liệu, hình ảnh mới và hiếm gặp. Trước khi bắt tay đi ghi hình, từ tháng 4/2021 anh lục tung kho tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nhiều tuần liền. Anh kỳ công soi hơn 50 cuộn phim để chắt lọc ra nhiều khung hình mới mẻ trong ngồn ngộn kho tư liệu của các cuộc kháng chiến, các dấu son lịch sử. “Tôi may mắn tìm ra vài hình ảnh quý hiếm, trong đó có tư liệu Đại tướng trên đường từ ATK lên Tây Bắc vào năm 1954, hay hình ảnh Bác Giáp sang Cu Ba, bởi những chuyến công tác nước ngoài của Đại tướng không nhiều”, anh Tùng nói.

Luôn tâm niệm phim tài liệu khi sử dụng tư liệu phải chân xác nhất có thể, vì vậy Trịnh Quang Tùng không cho phép mình vì bí quá mà “gắp” đại hình minh họa lịch sử, không được phép dùng lời tràn lên để khỏa lấp khoảng trống hình ảnh. Anh cố gắng tìm ra tư liệu sát nhất với thời khắc lịch sử đó, kể cả những hình ảnh không dễ kiếm như ở thời kỳ tiền Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Hình ảnh tư liệu thường là chính xác 100% sự kiện lịch sử, hoặc có độ chân xác lên tới 95% (khi phải sử dụng hình ảnh gần sát mốc thời gian sự kiện lịch sử xảy ra).

Không thể chỉ nệ vào hình ảnh tư liệu, ê kíp lên đường, băng rừng trèo núi rong ruổi từ Cao Bằng, Điện Biên, về đồi cát trắng Quảng Bình, vào Huế… Những chuyến đi trả cho người làm phim những cuộc gặp gỡ đáng quý với nhiều người dân mộc mạc, một số nhân chứng hiếm hoi từ thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm cách mạng Tháng Tám. Đạo diễn kể, đoàn phim đến Cao Bằng liền có duyên gặp bà cụ Bàn Thị Chủ (xóm Nà Chẵn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình). Ở tuổi 96 nhưng ánh mắt bà cụ vẫn rạng ngời khi ôn chuyện mang cơm cho Bác Giáp. Câu chuyện làm sống lại thời đồng bào dân tộc ở Cao Bằng che giấu cán bộ cách mạng, che giấu cho Bác Giáp giữa muôn trùng vây của quân Pháp. Cụ Bàn Thị Chủ cũng chính là người dạy tiếng Tày cho Bác Giáp, sau này kết nghĩa anh em với Đại tướng.Khi hòa bình, bà từng lặn lội về xuôi thăm vị tướng năm xưa, sau đó là cuộc viếng chốn cũ để tưởng nhớ người đã đi xa.

Trong chuyến ngược lên ngàn về chiến khu, nhóm làm phim mất cả tiếng để leo lên khu tưởng niệm có đặt tượng Bác Hồ ngồi chỉ đạo chiến dịch Đông Khê. Cả tiếng đồng hồ bỏ lại xe máy, leo đến hụt hơi để đổi lấy 20 giây lên hình, thế mà cả đoàn ai cũng vui đến lạ. Người bản địa nói, gần như không có đoàn làm phim nào lên tận nơi này do địa hình khá hiểm trở.

Trở về từ Điện Biên, đạo diễn khoe mang theo một hòn đá lấy ở đúng địa điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. “Gia đình kể lại cho tôi rằng, tại con suối bên hang Huổi He, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên mà Đại tướng lưu lại trong 13 ngày, ông đã quyết định chuyển hướng tiến công. Chúng tôi mang hòn đá về tặng lại gia đình, góp vào phòng truyền thống để kể chuyện lịch sử. Bờ suối đó mới chính là nơi năm xưa Đại tướng đứng và đưa ra quyết định thần kỳ, chứ không phải địa điểm Mường Phăng như nhiều người lầm tưởng”, NSƯT Trịnh Quang Tùng kể.

Cả cuộc đời, sự nghiệp lẫy lừng của vị tướng huyền thoại được cô đọng trong hơn 40 phút, đó là thách thức đối với mỗi đạo diễn. Đi nhiều miền đất, đối thoại với các nhân chứng, đào sâu tư liệu để vẽ chân dung Đại tướng, nhưng đạo diễn Trịnh Quang Tùng còn để dành một số khung hình, những cảm xúc chờ cơ hội trở lại làm phim về vị tướng huyền thoại này. Có thể đó là một lát cắt khác, một dòng cảm xúc khác.

Hậu trường ly kỳ

Từng làm phim về hai vị tiền bối cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, Bùi Bằng Đoàn, rồi làm phim ở hang Tám Cô (Quảng Bình) đạo diễn Trịnh Quang Tùng mang một niềm tin tâm linh nhất định. Nhờ tâm thành, thế hệ đi sau sẽ được các cụ dẫn dắt may mắn tới. “Trước khi về lại chiến khu hay về Quảng Bình, tôi đều xin phép gia đình thắp hương báo cáo với Đại tướng. Trong vài ngày ngắn ngủi lưu lại quê Đại tướng, tôi nghĩ thầm rằng trong cái nắng chang chang này, giá mà có được một cảnh mưa ở nhà Bác Giáp thì hay quá, không ngờ điều đó thành hiện thực”, anh kể.

Điều kỳ diệu nhất phải kể tới cảnh quay nơi Đại tướng yên nghỉ. Quảng Bình mưa tầm tã mấy ngày trời, mưa cả đêm tới tận sáng hôm đoàn về qua khu mộ viếng Đại tướng để xin quay cảnh gần kết phim. “Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng nói với tôi, cứ yên tâm ra tới nơi kiểu gì mưa cũng tạnh. Tôi chưa dám tin, nhưng đúng là hôm sau trên đường trở ra mưa tạnh dần, tới mộ Đại tướng trời khô ráo đẹp đẽ, xanh mướt”, Trịnh Quang Tùng nhớ lại.

TOAN TOAN
https://tienphong.vn/phim-ve-dai-tuong-va-nhung-cuoc-gap-dac-biet-post1371816.tpo

Người xem: 1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *