Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng.
Việt Nam có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao
Có 5 loại vi rút viêm gan, trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định. Viêm gan vi rút C hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2021, toàn cầu có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và 58 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C; số trường hợp tử vong do viêm gan khoảng 1,1 triệu người, trong đó chiếm 96% là do viêm gan B và viêm gan C. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao. Theo thống kê năm 2017, có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm viêm gan C mãn tính; dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư gan, khoảng 40.000 trường hợp tử vong.
Cần chủ động tiêm vắc xin viêm gan B
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều can thiệp nhằm giảm nguy cơ lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con như xét nghiệm HBsAg cho phụ nữ mang thai trong lần khám đầu tiên, điều trị hoặc điều trị dự phòng cho mẹ. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút viêm gan B được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Ngày 24-9-2021, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các chỉ tiêu đề ra là: Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh giai đoạn 2021-2025 đạt ít nhất 85%; giảm thiểu tối đa những trường hợp hoãn tiêm không phù hợp, nhất là tại các khu vực biển đảo, miền núi, vùng khó khăn, nơi có tỷ lệ tiêm liều sơ sinh thấp. Tỷ lệ phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai trên 70%; tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị trên 70%. Tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn tầm soát, khám chữa bệnh để phát hiện kịp thời người nhiễm vi rút viêm gan B và C, điều trị cắt đứt nguồn lây.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, viêm gan vi rút B cấp tính có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 6 tháng và hầu hết không có triệu chứng. Một số trường hợp có triệu chứng kéo dài vài tuần như vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng bên hạ sườn phải. Đối với trường hợp viêm gan B mãn tính phần lớn không có triệu chứng gì. Viêm gan vi rút B lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm bệnh. Vi rút viêm gan B rất dễ lây, khả năng lây nhiễm cao hơn 100 lần so với HIV. Tiêm vắc xin viêm gan B là liệu pháp phòng ngừa chính, cần tiêm liều vắc xin đầu tiên càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ; các mũi tiếp theo tiêm lúc trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Ngoài ra, tất cả những người chưa có kháng thể chống lại vi rút viêm gan B, người có nguy cơ cao, người tiêm chích ma túy, người quan hệ tình dục không an toàn cần sớm tiêm vắc xin. Vắc xin viêm gan B có hiệu quả bảo vệ kéo dài ít nhất 20 năm và có thể suốt đời.
Khám để sớm phát hiện bệnh
Đối với viêm gan C, thời gian ủ bệnh thường 7-8 tuần, sau đó là thời kỳ khởi phát. Người bệnh viêm gan C cấp thường thấy mệt mỏi, nhức đầu, có một số triệu chứng giống cảm cúm; có người bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, chán ăn, đau tức hạ sườn phải vùng gan kèm theo có vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu. Tuy nhiên, các triệu chứng thường nhẹ, người bệnh không để ý dễ bỏ qua mặc dù gan đang viêm nặng; tiếp theo đến thời kỳ toàn phát khoảng 6-8 tuần, có khoảng 15-30% trường hợp sau đó tự khỏi. Những trường hợp không tự khỏi sẽ trở thành viêm gan C mãn tính. Bệnh sẽ tiến triển rất thầm lặng qua 10-30 năm, có khoảng 10-20% sẽ có biến chứng xơ gan hoặc có khoảng 5% bị ung thư gan.
Bác sĩ Toàn cho biết, người lành mang vi rút viêm gan B, C sẽ là nguồn truyền bệnh nguy hiểm cho người lành khác. Để phòng bệnh, khi có yếu tố nghi ngờ cần đến cơ sở y tế khám để sớm phát hiện bệnh. Đối với người mắc bệnh viêm gan cần được khám bệnh định kỳ. Mẹ nhiễm viêm gan C có thể cho con bú, tuy nhiên nếu thấy đầu vú bị nứt và chảy máu thì không nên cho con bú. Người viêm gan vi rút B, C không nên cắt lể, xăm mình, khi châm cứu phải dùng kim riêng sử dụng 1 lần.
ĐẶNG HỒNG HOA
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202112/phong-chong-benh-viem-gan-vi-rut-8237812/
Người xem: 2