KÊNH 79 – Đối mặt với rủi ro, ngày đêm chạy đua với thời gian để kịp thời chở những bệnh nhân mắc Covid-19 đến bệnh viện, các F1 đi cách ly… là những công việc thường ngày của những lái xe cấp cứu ở các bệnh viện. Họ cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch đang nỗ lực ngày đêm không mệt mỏi để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Những chuyến xe xuyên đêm
Phòng điều phối xe cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Cấp cứu 115 lúc 23 giờ 30 ngày 1-8 vẫn sáng đèn. Nhận lệnh đi chở một F0 từ xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa về khu điều trị của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, tài xế Lê Công Đô trong bộ đồ bảo hộ lập tức ra xe thực hiện phun khử khuẩn, kiểm tra các thông số kỹ thuật rồi cùng các y, bác sĩ lên đường. Đối với các tài xế như anh Đô, những thao tác kỹ thuật chỉ trong 5 phút, rồi lên xe lao vút trong đêm, tỏa đi khắp các địa bàn, nơi có những trường hợp F0, F1 cần được chở đi điều trị hoặc cách ly.
Anh Đô chia sẻ: “Hơn 1 tháng nay, những chuyến xe xuyên đêm đã quá quen thuộc. Ban đầu, khi nghĩ đến sẽ chở những ca F0, anh em có phần e dè, nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Bởi nếu mình không “ra trận”, kéo dài thời gian thì tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi. Vậy nên, chúng tôi xác định phải luôn nỗ lực vì bệnh nhân cũng như cộng đồng. Để tự bảo vệ mình, tránh lây nhiễm, mỗi lái xe ngoài việc làm tốt công tác chuẩn bị, còn phải hết sức cẩn thận, thực hiện đúng quy trình các bước của ngành Y tế. Trong suốt chặng đường, nhiều ca trở nặng, lái xe luôn trong trạng thái căng thẳng, tập trung cao độ để làm sao chở bệnh nhân về nơi thu dung, điều trị nhanh nhất và bảo đảm an toàn trong suốt hành trình”.
Cũng như anh Đô, anh Nguyễn Tuấn Thiện Vũ đã có 14 năm trong nghề lái xe cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115. Với anh, ngày thường vận chuyển bệnh nhân cấp cứu đã căng thẳng, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày hàng chục ca bệnh, hàng trăm trường hợp F1 cần vận chuyển thì càng áp lực hơn. “Các ca bệnh tăng lên không ngừng nên chúng tôi gần như phải chạy liên tục, đôi khi đang ăn cơm nhưng có lệnh điều động anh em vội bỏ dở bữa để lên đường thực hiện nhiệm vụ. Hơn 1 tháng qua, hàng ngày, bình quân mỗi tài xế chạy hơn 20 chuyến, có ngày cao điểm lên đến 30 chuyến. Một số bệnh nhân có bệnh lý nền, lại lớn tuổi nên càng phải di chuyển sớm và nhanh nhất có thể, chỉ cần chậm một chút thôi là có thể nguy hiểm đến tính mạng”, anh Vũ cho biết.
Không chỉ có anh Đô, anh Vũ, hơn 30 tài xế nằm trong Tổ điều phối, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 trong thời gian này đều làm việc gấp đôi, gấp ba so với thời gian trước. Nhất là những tài xế lái xe cấp cứu ở các bệnh viện đang là ổ dịch như thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang…
“Nốt lặng” trong mùa dịch
Tài xế Nguyễn Đức Trí – Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa chia sẻ, gần 10 năm làm nghề, lần đầu tiên anh phải chạy, chở nhiều chuyến bệnh nhân như thế. Với anh Trí, những vất vả đó anh không quản ngại, mà chẳng thể cầm lòng khi đưa các cụ ông, cụ bà thuộc đối tượng F1 đã bước qua tuổi 70, 80 hay các em nhỏ đi cách ly tập trung. “Chứng kiến những người lớn tuổi tay xách, nách mang đồ đạc đi cách ly, hay những em nhỏ với khuôn mặt sợ sệt, lo âu mặc đồ bảo hộ lên xe tôi thấy nghẹn lòng. Những khi đó, cũng chỉ biết an ủi, đùa vui mấy câu cho họ an lòng”, anh Trí kể. Còn anh Đặng Nguyên Thành, cùng tổ với anh Trí thì không thể quên khi anh là người trực tiếp chở một F0 đi đến bệnh viện, sau đó quay lại chở 7 người trong gia đình đi cách ly tập trung. “Hình ảnh cụ ông khép cửa lên xe, cứ nhìn đau đáu về căn nhà trống huơ, trống hoác không người, rồi nghẹn ngào gọi điện cho con trai ở Nha Trang về trông nhà, tôi mới thấy được sức tàn phá của dịch bệnh”, anh Thành chia sẻ.
Nhiều tài xế chia sẻ, do dịch bùng phát nhanh, bệnh nhân, F1 quá nhiều nên trong lúc vận chuyển, đưa người đi cũng không tránh khỏi bị chậm trễ, bị người nhà và bệnh nhân nổi cáu, mất bình tĩnh, la mắng tài xế là chuyện thường. Hay có những trường hợp F0 đang đi tới khu điều trị, nửa chừng đòi chở ngược về nhà hoặc phải cho điều trị ở nơi gần gia đình, nếu không họ sẽ mở cửa nhảy xuống xe… Nhưng các anh hiểu, đó là tâm lý chung của bệnh nhân cũng như thân nhân của họ nên mỗi người đều phải bình tĩnh giải thích, trấn an người dân để công việc được thuận lợi.
Hỏi chuyện về gia đình, các anh không kể, nhưng chúng tôi biết, do tính chất công việc nguy hiểm, sợ lây nhiễm cho người thân, nhiều tài xế cả tháng nay không về nhà. Nhớ vợ con, cha mẹ cũng chỉ biết gọi hỏi thăm hoặc ghé tới đứng ở xa nhìn xong rồi đi.
Niềm vui bình lặng
Vừa tan ca, nghỉ ngơi chưa lâu, tài xế Đặng Nguyên Thành lại chuẩn bị xe để chở cán bộ y tế đến các nơi lấy mẫu xét nghiệm. Trao đổi nhanh với chúng tôi, anh Thành khoe: “Hôm qua, tôi chở 4 chuyến. Trong đó, có 1 chuyến chở bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh về lại địa phương. Chuyến đó, có 7 người, nhìn ai cũng hớn hở, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, bao nhiêu mệt nhọc trước đó cũng tan biến”. Còn anh Nguyễn Đức Trí không thể nào quên cuộc điện thoại anh nhận được cuối tháng 7, lên đón những bệnh nhân đã được điều trị khỏi về lại địa phương. Theo anh Trí, đó là cuộc điện thoại hạnh phúc nhất anh nhận được trong cả tháng căng thẳng vì dịch Covid-19.
Đây không chỉ là niềm vui của những tài xế trong Tổ điều phối, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 của tỉnh mà còn là tin vui của mọi người khi ngày càng nhiều những ca mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh, xuất viện. Nhiều tài xế cho biết, khi các anh chở các bệnh nhân đã điều trị khỏi hoặc những F1 đã hoàn thành cách ly tập trung về lại địa phương, nhìn gia đình họ đến đón, ôm nhau khóc, các anh cũng không kìm được nước mắt hạnh phúc.
Khó khăn vất vả là thế, nhưng mỗi tài xế luôn vững vàng, lạc quan bởi họ luôn tâm niệm, mình vẫn còn may mắn vì còn sức khỏe để đi làm, nhận được hỗ trợ rất tích cực từ cộng đồng; sự hợp tác, chia sẻ, động viên của nhiều gia đình F1, bệnh nhân các anh tới đón đi. Những điều đó, càng thêm ấm lòng mỗi tài xế trong mùa dịch bệnh căng thẳng, là động lực để các anh vững vàng tay lái trên mỗi cung đường. Chia tay họ, chúng tôi ra về mang theo niềm mong ước lớn nhất của các anh là dịch sẽ sớm được khống chế, người dân được trở lại cuộc sống bình thường, để các anh được ăn bữa cơm nóng ấm cùng gia đình.
Bác sĩ Lê Trần Anh Thi – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ điều phối, vận chuyển bệnh nhân Covid -19: Tổ được Sở Y tế thành lập ngày 25-7-2021, gồm 30 tài xế lái xe cấp cứu ở các bệnh viện công và tư trên địa bàn tỉnh. Họ là những người trực tiếp chở các bệnh nhân mắc Covid-19 đến bệnh viện, các F1 đi cách ly và đưa đón những bệnh nhân đã điều trị khỏi, người hoàn thành cách ly về địa phương. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ, các tài xế trong tổ có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng anh em đều rất trách nhiệm với công việc, không nề hà. Tổ cũng nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ rất nhiều từ lãnh đạo các bệnh viện, Sở Y tế và cả cộng đồng. |
THẢO LY – MẠNH HÙNG
https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202108/tai-xe-115-trong-mua-dich-8224304/
Người xem: 0