KÊNH 79 – Trong cơn mưa tầm tã chiều 28-7, hàng trăm người dân Huế, Quảng Trị bắt đầu lên tàu về quê tránh dịch. Trên chuyến tàu rời thành phố, nhiều người mang tâm trạng khó tả: Họ nhớ quê hương – nơi sinh ra mình, và thương Sài Gòn – nơi cưu mang họ.
Từ trưa 28-7, màu áo bảo hộ xanh lam phủ khắp sân ga Sài Gòn. Khoảng 14h30, chuyến tàu mang số hiệu SE74 chạy tuyến TP.HCM – Quảng Trị từ từ chạy vào nhà ga. Hệ thống loa thông báo phát lên: “Tàu đã vào ga, bà con xếp hàng cách nhau 2 mét để làm thủ tục. Bà con chuẩn bị giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm và vé tàu để thủ tục nhanh chóng…”.
Loay hoay với mớ hành lý lỉnh kỉnh dưới đất và cháu bé hơn 1 tuổi địu trước ngực, nước mắt chị Võ Thùy Trinh rơi lã chã. Chị Trinh kể mình làm văn phòng, chồng chị phục vụ ở Bệnh viện 115 nên đã 1 tháng chưa về nhà.
“Dịch bệnh nguy hiểm mà mình đang mang thai nữa nên đăng ký về quê để an toàn hơn. Mình về huyện Hải Lăng (Quảng Trị), thực hiện cách ly 14 ngày, sau đó về cách ly tại nhà. Mình khóc vì thấy rất buồn, 11 năm gắn bó với Sài Gòn, đây cũng như quê hương thứ 2, chưa bao giờ nghĩ phải rời xa nơi cưu mang mình trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.
Mình thấy tiếc, mình chưa biết khi nào sẽ vào lại thành phố để tiếp tục công việc. Mình muốn về quê để an toàn, nhưng mình thương Sài Gòn nhiều lắm”, chị Trinh quệt nước mắt.
Cũng được Sài Gòn dang rộng, cưu mang từ năm 19 tuổi, chị Trương Thị Bông, quê huyện Triệu Phong (Quảng Trị), chia sẻ buộc phải về quê vì dịch bệnh khiến chị thất nghiệp. Chị làm công nhân may tại phường Linh Xuân nhưng 1 tháng nay đã nghỉ việc ở nhà.
“Cũng quyến luyến nhiều lắm, mình đi vào Sài Gòn từ lúc còn con gái đến giờ lập gia đình và sinh sống ở đây đã 13 năm. Có những giai đoạn đứt quãng nhưng Sài Gòn cũng đã cho mình nhiều thứ.
Giờ hai mẹ con (cháu bé hơn 1 tuổi – PV) được ưu tiên về bằng tàu trước, mẹ chồng sẽ về chuyến sau. Chồng mình làm thợ hồ, dự định sẽ chạy xe máy về vì cũng không có việc làm trong giai đoạn này”, chị Bông nói.
Còn ông Lê Xuân Thưởng, quê Triệu Phong (Quảng Trị) vào TP.HCM trị bệnh do bị tai biến, chia sẻ tất cả 6 người con ông đều đang sinh sống, làm việc tại Sài Gòn. Ông thường vào thăm cháu nên cũng xem đây như quê hương mới.
“Hàng xóm, bạn bè xung quanh nhà các con cũng đã quen thân. Có người chơi cờ, có người đi bộ nói chuyện với nhau hằng ngày. Giờ dịch nên tôi về quê để an toàn và cũng bớt gánh nặng cho thành phố do tôi có bệnh nền. Tôi mong dịch ổn định để mọi người bình an”, ông Thưởng bộc bạch.
Và hàng trăm hành khách khác, mỗi người đều có một câu chuyện với thành phố này. Họ buộc về quê để tránh dịch nhưng họ thương Sài Gòn – đều một niềm tin thành phố mau lành lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sau chuyến tàu chở hơn 800 công dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM về Hà Tĩnh an toàn, những ngày tới nhiều đoàn tàu tiếp tục chở công dân của các tỉnh thành khác về quê.
Cụ thể, tàu SE74 chạy TP.HCM – Quảng Trị xuất phát ở ga Sài Gòn lúc 15h20 ngày 28-7 chở 420 hành khách. Tàu SE38 chạy TP.HCM – Huế xuất phát ở ga Sài Gòn lúc 15h20 ngày 29-7 chở 320 hành khách.
Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện nay các tỉnh thành như: Nghệ An, Phú Yên, Quảng Nam… đang trao đổi để phối hợp với công ty lên kế hoạch đưa người dân có nguyện vọng về địa phương.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, công ty thực hiện đón khách tại 1 ga đi, trả khách tại 1 ga.
Chị Võ Thùy Trinh tay bồng đứa con nhỏ và cũng đang mang thai bé thứ hai bật khóc vì chồng chị vẫn phải ở lại và vì Sài Gòn là nhà – Ảnh: DUYÊN PHAN
Lực lượng chức năng phân chia khu vực để bà con đảm bảo giữ đúng khoảng cách khi chờ nhận vé tàu – Ảnh: LÊ PHAN
Bà Lê Thị Lĩnh – quê Hải Lăng, Quảng Trị – chia sẻ Sài Gòn luôn dang rộng ôm những người con xa xứ vào lòng – Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Lê Xuân Thưởng tiếc nuối vì sắp phải rời xa nơi mà ông xem là quê hương thứ 2 của mình – Ảnh: DUYÊN PHAN
Ở Sài Gòn có bao giờ biết thất nghiệp là gì… nay dịch bệnh khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn thật sự – Ảnh: LÊ PHAN
Những người lao động mưu sinh đành ngậm ngùi trở về quê nhà, hành trình ấy không làm người ta hoàn toàn hạnh phúc, ngược lại họ cảm thấy có gì đó chông chênh khó tả – Ảnh: DUYÊN PHAN
Sài Gòn “bệnh”, họ đành phải chọn cách ra đi, trở về quê hương để giảm tải áp lực cho thành phố – Ảnh: DUYÊN PHAN
Tàu lăn bánh, nhiều người vẫn cố nhìn lại, nhìn nơi đã bao bọc và chở che cho họ suốt những năm tháng vừa qua – Ảnh: DUYÊN PHAN
https://tuoitre.vn/tam-biet-tp-hcm-ve-que-nha-tranh-dich-nhieu-nguoi-dan-buoc-len-tau-ma-nuoc-mat-cu-roi-20210728153041593.htm
Người xem: 0