Tấm lòng mẹ đỡ đầu

Ngay khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu – Kết nối yêu thương”, nhiều phụ nữ đã nhận đỡ đầu, yêu thương, chăm sóc những đứa trẻ mất cha, mất mẹ do đại dịch Covid-19, giúp các con cảm nhận được tình thân gia đình với những người mới hôm qua còn xa lạ.

Các con nhận mẹ tại chương trình Mẹ đỡ đầu.
Các con nhận mẹ tại chương trình Mẹ đỡ đầu.

  Xót xa những trẻ mồ côi

Tuy biết bản thân có nhiều bệnh nền nhưng khi bị cảm, ho, cha của 2 em Lê Nguyễn Ngọc Sáng (14 tuổi), Lê Nguyễn Phi Hùng (8 tuổi), phường Phước Tiến, TP. Nha Trang vẫn ráng tự mua thuốc chữa. Ông nấn ná vì vợ ông đi làm ở tỉnh Long An, lo vào bệnh viện mùa dịch không có người chăm sóc. Khi cha các em bệnh tình trở nặng, ông ngoại gọi cấp cứu thì đã muộn… Dịch bệnh đã khiến các em trở thành những trẻ mồ côi cha. Hiện giờ, 2 em và bà ngoại trông cả vào thu nhập chạy xe ôm và gom phế liệu của ông ngoại. Tháng tới, mẹ các em mới về, kiếm việc làm thuê. Bà ngoại 2 em buồn bã: “Hùng cứ hỏi sao ba đi lâu dữ, tôi giải thích ba bị bệnh, giờ mất rồi. Mấy bữa sau, cháu lại đòi đưa đi thăm ba…”. Ông ngoại thở dài: “Trước đây, mỗi ngày, cha con nó tíu tít lo ăn sáng, tôi chờ chở cháu đi học. Giờ đây, tôi thay cha chúng lo bữa sáng. Hùng còn nhỏ quá, không biết sau này ông bà già yếu thì sao? Chỉ mong được mọi người giang tay giúp đỡ…”.

Tập thể Trường Đại học Thông tin liên lạc đến thăm, động viên gia đình và xem xét hỗ trợ anh em Sáng, Hùng.
Tập thể Trường Đại học Thông tin liên lạc đến thăm, động viên gia đình và xem xét hỗ trợ anh em Sáng, Hùng.

Gương mặt sáng, đôi mắt to tròn trong veo, bé Phan Nguyễn Khả Ân (5 tuổi, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) còn chưa cảm nhận được việc mồ côi cha mẹ, vẫn thèm chơi, thèm được cưng nựng. Ba mẹ Ân lấy nhau và sống tại quê nội ở TP. Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). Khi gần đến ngày sinh Ân, ba dẫn mẹ về ngoại. Trở lại về nội, ba Ân phải cấp cứu, điều trị dài ngày do tiểu đường, suy thận cấp. Ân chỉ được gặp ba 2 lần trong đời. Lần thứ nhất, khi Ân hơn 2 tuổi, theo mẹ đi khám bệnh ung bướu ở TP. Hồ Chí Minh và ghé quê nội. Lần thứ hai, khi mẹ Ân qua đời vì ung thư đại tràng, ba về chịu tang mẹ. Một thời gian sau, ba Ân nhiễm Covid-19 trên đường đi khám bệnh rồi qua đời… Bà ngoại Ân xót xa: “Lúc mẹ bệnh, Ân chỉ biết thắc mắc sao mẹ cứ nằm suốt, không dậy chơi với con! Bây giờ, tôi chỉ quanh quẩn trông nhà. Ông ngoại cũng nghỉ phụ hồ, lo đưa đón Ân đi học. Dì cháu làm ở tỉnh Đồng Nai về phụ chăm mẹ Ân, giờ đi xúc sò thuê, lụi cụi từ 3 giờ sáng. Nơi dì làm thiếu lao động nam nên tuy làm thuê xúc sò, nhưng có lúc dì phải vác bao hàng 60-70kg. Tối đến, dì lại ra lề đường bán trà tắc để có thu nhập lo cho cả nhà”.

Có thêm cha mẹ hiền

Theo chân chị Phạm Thị Như Quỳnh (xã Diên An, huyện Diên Khánh) đi gần hết con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi tới nhà Ân. Vừa thấy mẹ Quỳnh, Ân líu tíu chạy ra đón. Rồi Ân ngoan ngoãn ngồi trong lòng mẹ Quỳnh hồn nhiên kể chuyện. Lát sau, Ân lại thoải mái theo ba Tiêu Duy Phú (chồng chị Quỳnh) đi mua đồ chơi và phấn khích cười khi thấy mẹ Quỳnh “ganh tỵ” vì bị bỏ rơi! Dường như, Ân đã coi gia đình mẹ Quỳnh là gia đình mình.

Gia đình thứ hai của bé Ân.
Gia đình thứ hai của bé Ân.

Chị Quỳnh tâm sự, ban đầu biết thông tin chương trình, chị chỉ nghĩ sẽ giúp đỡ về vật chất. Nhưng khi gặp Ân, nhìn vẻ nhút nhát, côi cút của bé, chị thực sự xót xa. Năm 2010, chị từng mất đi đứa con, tận năm 2020 mới sinh được một cháu trai. Sự xót xa đồng cảm khiến chị muốn yêu thương, chở che cho Ân bằng tấm lòng người mẹ. “Tôi mong được là người mẹ thực sự của bé, nuôi nấng, chia sẻ, vỗ về để bé bớt đi cảm giác lẻ loi khi thấy xung quanh các bạn có đủ cha mẹ”, chị Quỳnh trải lòng. Được biết, chị đã nhận đỡ đầu 4 em, trong đó có 3 em nhận đỡ đầu 1 năm, riêng Ân chị nhận đỡ đầu 2 năm và khả năng sẽ nhận đỡ đầu đến khi em trưởng thành.

Cũng xuất phát từ sự đồng cảm về một gia đình không trọn vẹn, chị Huỳnh Thị Châu Phú (phường Phước Tân, Nha Trang) đã quyết định nhận đỡ đầu anh em Sáng – Hùng.

Chị Phan Phước Thảo (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Cam Ranh cho biết, là mẹ đơn thân nuôi con vất vả nên chị đồng cảm với hoàn cảnh của các bé. Vì vậy, để có thể gần gũi, yêu thương con như một người mẹ đúng nghĩa, chị quyết định cùng đồng nghiệp là chị Võ Thị Minh Hiếu cũng tham gia nhận đỡ đầu cho bé Ân.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Hội sẽ vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân gián tiếp hoặc trực tiếp hỗ trợ về tinh thần, vật chất, hỗ trợ giáo dục, sự an toàn cho các em. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở phải thực sự là kênh kết nối giữa gia đình và mẹ đỡ đầu, thường xuyên kết nối, hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Hôm diễn ra chương trình, chị Phạm Thị Cẩm Hồng, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH TP. Cam Ranh bận không tới được. Nghe kể ở Cam Ranh có 5 bé mồ côi, chị Hồng đã nhận đỡ đầu bé trai Phan Lê Phúc Lâm (3 tuổi, phường Cam Lợi). Chị hi vọng bé sẽ có cậu con trai 4 tuổi của mình làm anh. Không may, con trai chị bị phát hiện mắc bệnh nan y, loay hoay lo điều trị cho con ở TP. Hồ Chí Minh nhưng chị Hồng không quên quan tâm bé Lâm.

Không chỉ có các mẹ, chương trình Mẹ đỡ đầu còn thu hút cả những ông bố, nam thanh niên chưa lập gia đình. Trong danh sách nhận đỡ đầu, riêng ở Phòng giao dịch NHCSXH TP. Cam Ranh, ngoài 3 cá nhân, tập thể phòng giao dịch cũng nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Khánh Bảo Nhi (2 tuổi, phường Ba Ngòi). Chị Phan Phước Thảo cho biết, lâu nay, các cá nhân vẫn tự nguyện trích một khoản nhỏ tiền lương để cuối năm làm từ thiện. Biết chương trình này, tất cả đều đồng lòng tăng thêm khoản ủng hộ hàng tháng để có thể đỡ đầu bé Nhi.

Anh Tiêu Duy Phú nói, khi biết hoàn cảnh của bé Ân, anh ủng hộ vợ hết mình. Anh chị đều rất muốn đưa Ân về nuôi cùng con mình. Hỏi Ân có muốn ra nhà mẹ Quỳnh, ba Phú, Ân nói không chần chừ: “Có ạ, nhưng phải dẫn cả ngoại theo”. Với Ân, cũng như những trẻ mồ côi khác, gia đình dường như đã mở rộng thêm nhiều…

Ngày 26-1, Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình “Mẹ đỡ đầu – Kết nối yêu thương” nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày 28-2, đã có 11 cá nhân, 5 tập thể nhận đỡ đầu 18 em (nhỏ nhất 2 tuổi, lớn nhất 17 tuổi), trong đó có chị nhận đỡ đầu 16 em. Chương trình phấn đấu chăm sóc các em đến khi đủ 18 tuổi, sau đó có thể vận động các nguồn lực hỗ trợ nếu các em muốn học tiếp đại học.

TIỂU MAI – THANH TRÚC
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202203/tam-long-me-do-dau-8244928/

Người xem: 11

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *