Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải giảng dạy bằng hình thức trực tuyến cho sinh viên (SV). Bên cạnh việc tập huấn cho SV làm quen với cách học mới, nhiều trường còn có chính sách hỗ trợ SV khó khăn.
Bảo đảm điều kiện dạy và học
Bước vào năm học mới với tinh thần tất cả hoạt động đều được vận hành trực tuyến, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về các công cụ, kỹ năng học tập trực tuyến, giúp các tân SV chủ động, sẵn sàng tâm thế cho học kỳ đầu tiên.
Thầy Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang cho biết, để giúp tân SV không bị bỡ ngỡ khi học trực tuyến, nhà trường đã chuẩn bị các video, infographics hướng dẫn chi tiết về cách thức tìm kiếm thông tin, kích hoạt email và mã số SV; truy cập thư viện số; hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS của trường; phần mềm E-learning – NTU, Google Meet, Zoom… Không chỉ vậy, nhiều giảng viên còn rất tâm lý, chu đáo với SV. Trước khi bắt đầu tiết dạy, tất cả tài liệu, chương trình học tập, quy trình đánh giá đều được chuyển tới cho SV tìm hiểu và nghiên cứu. “Trước giờ lên lớp, tôi thường đăng nhập vào hệ thống sớm hơn 15 phút nhằm hướng dẫn, chỉ dẫn SV các thao tác, làm quen với giao diện phần mềm, giúp các em yên tâm, tạo điều kiện cho tiết học thành công”, cô Nguyễn Thủy Đoan Trang – giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Nha Trang chia sẻ.
Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của nhà trường, thầy cô, các tân SV đã tự tin hơn nhiều. SV Phạm Mạnh Quỳnh – ngành Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Nha Trang cho biết: “Buổi học của em và các bạn trong lớp diễn ra khá thuận lợi, chất lượng hình ảnh, âm thanh, đường truyền đều tốt; thầy cô giảng dạy tận tình. Em chỉ buồn là không được gặp mặt trực tiếp thầy cô và chưa được làm quen với các bạn mới”. Còn tân SV Nguyễn Anh Thư – Khoa Quản trị khách sạn, Trường CĐ Du lịch Nha Trang cho biết, việc đăng nhập vào hệ thống đào tạo trực tuyến của trường dễ dàng, nhanh chóng, chất lượng âm thanh và hình ảnh khá tốt. Tuy không được trực tiếp đến lớp nhưng học trực tuyến cũng là cơ hội để SV rèn luyện kỹ năng khai khác tài liệu, chủ động tìm kiếm, nghiên cứu trước bài học và tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của bản thân.
Hỗ trợ thiết thực
Để chủ động giải quyết các tình huống bị động từ việc học trực tuyến, các trường ĐH, CĐ đã dành nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho SV trong việc học. Có thể kể đến, Trường ĐH Nha Trang thành lập Tổ hỗ trợ đào tạo trực tuyến với mức hỗ trợ 300.000 đồng/học kỳ/SV cho toàn bộ tân SV năm học này những SV có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, tổng số tiền trường đã hỗ trợ tới 4,2 tỷ đồng. Trường CĐ Du lịch Nha Trang cũng có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho SV. Ông Nguyễn Doãn Thành – Hiệu trưởng nhà trường cho biết đã báo cáo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về nhu cầu của những tân SV có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ thiết bị máy tính để học tập. Bên cạnh đó, trường đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để giúp các em tiếp cận vay vốn trang trải chi phí và mua thiết bị phục vụ học tập; huy động nguồn kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân và trích nguồn học phí của nhà trường để trao học bổng giúp các SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; tặng máy tính cho các SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn….
Theo ông Chu Đình Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa, hiện nay, nhiều SV có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế eo hẹp đang học trực tuyến với thiết bị cũ, đường truyền Internet không ổn định, hay không có máy tính, thiết bị truy cập Internet… Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhà trường đã vận động được gần 80 triệu đồng. Trường đang rà soát, lập danh sách hỗ trợ cho các SV có hoàn khó khăn.