Viện Hải dương học vừa nghiệm thu đề tài “Thử nghiệm sinh sản vô tính bằng phương pháp tách mảnh một số loài san hô mềm và hải quỳ tại Bảo tàng Hải dương học” của Thạc sĩ Đặng Trần Tú Trâm và cộng sự. Đề tài nhằm cung cấp nguồn san hô và hải quỳ phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày cho bảo tàng phục vụ khách tham quan.
Theo Thạc sĩ Đặng Trần Tú Trâm – chủ nhiệm đề tài, mặc dù hải quỳ và phần lớn san hô mềm không thuộc danh mục các loài nguy cấp theo Công ước CITES và Sách đỏ Việt Nam nhưng việc đánh bắt để phục vụ nhu cầu nuôi cá cảnh ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến số lượng quần thể của chúng ngoài tự nhiên. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm đã thực hiện đề tài: “Thử nghiệm sinh sản vô tính bằng phương pháp tách mảnh một số loài san hô mềm và hải quỳ tại Bảo tàng Hải dương học” nhằm thử nghiệm sinh sản vô tính một số loài san hô mềm và hải quỳ sống trong các bể nuôi sinh vật biển ở khu tham quan bảo tàng.
Nhóm đã chọn các tập đoàn san hô mềm thuộc các giống Sinularia, Sarcophyton, Cladiella và loài hải quỳ (Stichodactyla haddoni) để tiến hành phân mảnh và bố trí thí nghiệm nghiên cứu. Sau gần 1 năm triển khai cho thấy, đối với san hô mềm, vết cắt của các cá thể non đã lành sau 5 – 7 ngày khi tách khỏi tập đoàn bố mẹ và thời gian bám của chúng trên giá thể nhân tạo từ 9 – 15 ngày. Nghiên cứu này cũng cho thấy các tập đoàn san hô con bắt đầu đạt tỷ lệ sống ổn định sau khoảng 30 ngày được tách từ tập đoàn bố mẹ và xuất hiện hình dạng điển hình của tập đoàn san hô (giống Sarcophyton) nên đây có thể là thời điểm vận chuyển các tập đoàn mới cho các mục đích của các vườn ươm san hô. Sau 90 ngày nuôi, tỷ lệ sống của san hô non đạt trên 67%. Kết quả nghiên cứu cho thấy vết thương của các tập đoàn bố mẹ đã lành sau 12-14 ngày kể từ ngày bị cắt và không có trường hợp bị chết do tổn thương khi cắt các tập đoàn con dùng cho thí nghiệm. Điều này cho thấy phương pháp thí nghiệm đã không tổn hại đến san hô bố mẹ mà còn tạo ra một số tập đoàn san hô con có khả năng bám độc lập trên các giá thể khác và có thể di chuyển tùy mục đích, nên đây có thể là hướng để nhân giống một số loài san hô khác.
Theo nhóm nghiên cứu, nhân giống san hô bằng sinh sản vô tính là kỹ thuật tách mảnh các tập đoàn san hô bố mẹ thành những mảnh nhỏ hơn. Các mảnh nhỏ này có thể gắn chân vào giá thể mới và phát triển thành tập đoàn san hô mới. Tương tự, việc tăng số lượng cá thể hải quỳ bằng phương pháp phân mảnh từ cá thể mẹ được đánh giá là phương pháp hiệu quả để giảm áp lực khai thác hải quỳ ngoài tự nhiên. |
Đối với hải quỳ: Quá trình chữa lành vết thương ở cá thể non từ 5 -12 ngày sau khi cắt và sau 60 ngày thì chân của các cá thể hải quỳ bị cắt đều đạt 3/4 đường tròn và sau 90 ngày các cá thể hải quỳ đã hình thành đĩa chân gần như hoàn thiện so với cá thể bố mẹ ban đầu. Tỷ lệ sống sau 90 ngày ở nghiên cứu cắt hai đạt gần 90% và ở nghiên cứu cắt tư là 72%. Như vậy, sinh sản vô tính hải quỳ bằng phương pháp cắt hai và cắt tư có thể được sử dụng trong các vườn ươm để tạo ra các cá thể quanh năm và có thể áp dụng trên một số loài hải quỳ đang được ưa chuộng nuôi cảnh để cung cấp cho việc buôn bán cá cảnh hoặc phục hồi, đặc biệt là các loài đang có số lượng giảm sút trong tự nhiên.
Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền – Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, đây là đề tài cấp cơ sở đáp ứng theo nội dung sản phẩm đã đăng ký, được hội đồng nghiệm thu xếp loại khá. Mặc dù kinh phí còn hạn chế, nhóm nghiên cứu chỉ sinh sản nhân tạo thành công 3 loài san hô mềm và 1 loài hải quỳ nhưng kết quả ban đầu rất khả quan, góp phần định hướng nghề nuôi mới, độc đáo, giảm áp lực khai thác, tạo việc làm… Tuy nhiên, để thành nghề nuôi mới cần có những nghiên cứu chuyên sâu. Kết quả sản phẩm trước mắt được trưng bày phục vụ khách tham quan Bảo tàng Hải dương học, góp phần tuyên truyền về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển…
V.L
https://www.baokhanhhoa.vn/khoahoc-congnghe/202112/thu-nghiem-thanh-cong-sinh-san-san-ho-va-hai-quy-8237333/
Người xem: 19