Thước phim tài liệu lịch sử bằng thơ

KÊNH 79 – Sau hơn 3 tháng diễn ra sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám, nhà thơ Xuân Diệu đã cho ra đời bài thơ mang tên Ngọn quốc kỳ. Đây là khúc tráng ca hào hùng về những ngày tháng Tám sục sôi khí thế cách mạng của nhân dân ta.

Sáng ngời ngọn cờ cách mạng

 

Nhà thơ Xuân Diệu
Nhà thơ Xuân Diệu

Bài thơ Ngọn quốc kỳ được nhà Xuân Diệu bắt tay viết vào ngày 30-11-1945. Tại trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc lúc bấy giờ ở Hà Nội, Xuân Diệu đã dồn tâm lực, cảm xúc để viết nên những vần thơ sáng ngời tinh thần cách mạng. Tuy bài thơ đã viết xong nhưng phải hơn 15 năm sau mới được Nhà Xuất bản Văn học in lần đầu. Trong lời giới thiệu, bài thơ dài 300 câu được gọi là tráng ca chứ không phải trường ca. Đọc Ngọn quốc kỳ, ta như được xem một thước phim tài liệu lịch sử bằng thơ. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường, làng bản đó cũng là lúc mở ra một trang mới tươi sáng cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bài thơ bắt đầu với những lời thơ mô tả niềm vui sướng của nhân dân khi giành được độc lập dân tộc vào tháng Tám năm 1945. Niềm vui lớn đó thôi thúc nguồn cảm xúc dâng trào của nhà thơ: “Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo/Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng/Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo/Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo/Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!”.

Khí thế cách mạng như nước lũ tràn bờ, cả dân tộc đứng dưới ngọn cờ Tổ quốc – ngọn cờ hội tụ sức mạnh của 4.000 năm lịch sử. “Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc/Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng/Rồi: Có một buổi cờ về Hà Nội/Về ngự trị ở trên đài sáng chói/Giữa dân gian, trong những tiếng hoan hô”. Lá cờ đỏ sao vàng là kết tinh của bao năm tháng đấu tranh, là linh hồn của những người con Việt Nam yêu nước. Tất cả các tầng lớp nhân dân đều hướng về ánh sáng quốc kỳ, ánh sáng cách mạng. Bài thơ khép lại với sự gắn kết hình ảnh lá quốc kỳ với lãnh tụ Hồ Chí Minh và giai điệu hào hùng của bài quốc ca. “Sao vẫn sáng, máu xây nền vẫn đỏ!/Cờ là đó. Việt Nam này vẫn đó/Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến quân ca/Sáng muôn năm, nền dân chủ cộng hòa”.

Hơi thở đấu tranh cách mạng hào hùng

Nhà thơ Xuân Diệu được biết đến như một ông hoàng thơ tình. Bao người đã từng đắm say trong những Thơ thơ, Gửi hương cho gió hẳn không khỏi bất ngờ với sự chuyển đổi bút pháp của ông trong Ngọn quốc kỳ. Bởi thật khó hình dung một người của phong trào Thơ mới với những vần thơ lãng mạn, sầu ai, sống vội vàng lại nhanh chóng có được hơi thở đấu tranh cách mạng hào hùng đến vậy. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng tâm sự: “Bài thơ Ngọn quốc kỳ đã được sáng tác trong những ngày say sưa tắm ánh sáng thần tiên của cách mạng thành công ấy. Những ngày thứ nhất ấy, tất cả tươi mới trong lòng người, trên đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng; chúng ta đã say ngọn cờ độc lập, tự do như say men rượu!”.

 

Hình ảnh ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
Hình ảnh ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu

Trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, chúng ta chưa bao giờ thấy được hình ảnh của những chị bán củi, anh kéo xe, em bé con… mà chỉ thấy tôi, em, chàng, nàng. Vậy mà giờ đây, những thi ảnh đời thường đó đã sáng rực trong thơ ông. “Chị bán củi ra thị thành đón lấy/Anh kéo xe làm giấy dán lên mui/Em bé con hì hục cố pha mùi/Ông lão đón mớ lửa hồng vào dạ…”.

Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận xét “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ mới”. Nhưng với bài Ngọn quốc kỳ, chúng ta lại thấy nhà thơ Xuân Diệu đã mới hoàn toàn. Ở đây, ông đã khéo léo thể hiện cái nhìn tinh tế của một tâm hồn lãng mạn vào sự kiện cách mạng để viết nên những câu thơ độc đáo. “Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả/Máu nén lâu từ ấy đã bùng ra/Những túp lều xơ xác cũng ra hoa/Những gốc cũ nảy một chồi sống mới”. Cái mới đó còn ở sự chuyển đổi tâm trạng trong chính nhà thơ, từ cái sầu vũ trụ, buồn kiếp người thì nay nhà thơ đã hòa mình vào dòng chảy cách mạng với lý tưởng, khát vọng về đất nước, dân tộc. Từ cái buồn riêng, nhà thơ đã chuyển sang bộc lộ niềm vui chung.

Có thể thấy, Cách mạng tháng Tám đã tạo nên một sự đổi thay toàn diện đất nước ta. Sự chuyển mình vĩ đại đó đã tác động làm thay đổi tình cảm, nhận thức, tâm trạng của rất nhiều người. Sau 76 năm, đọc lại những câu thơ trong Ngọn quốc kỳ chúng ta vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của dân tộc ngày ấy.

Giang Đình
https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202108/thuoc-phim-tai-lieu-lich-su-bang-tho-8225893/

Người xem: 19

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *