KÊNH 79 – Nghiên cứu sản xuất vắc xin chống COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại phiên họp chiều 23-7 với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, các công ty đang phát triển vắc xin tại Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các báo cáo cho biết thời gian tới sẽ có 4 vắc xin sản xuất tại Việt Nam, trong đó có 2 sản phẩm nội địa và 2 sản phẩm Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ.
Trong số này, sớm nhất là Nano Covax dự kiến hoàn thiện hồ sơ đăng ký đệ trình các hội đồng xem xét, thẩm định cấp phép khẩn cấp dự kiến vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20-8.
Việt Nam sẽ sản xuất 4 vắc xin trong nước
Theo báo cáo, trong số 4 vắc xin nội có Nano Covax có tiến độ nhanh nhất. Dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 4 đến 19-8. Bộ Y tế đã chỉ đạo và cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đến hỗ trợ nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (Viện Pasteur TP.HCM và Học viện Quân y) để nhóm hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các kết quả xét nghiệm tính sinh miễn dịch, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và hồ sơ đăng ký để đệ trình các hội đồng xem xét thẩm định.
Loại vắc xin có tiến độ nhanh thứ 2 là Covivax do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang nghiên cứu sản xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và ĐH Y Hà Nội nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, ngày 27-7 sẽ có kết quả đánh giá về tính sinh miễn dịch, ngày 30-7 nhóm nghiên cứu sẽ nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Bộ Y tế cũng cho biết có thể xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3 từ tháng 9-2021 nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.
Về vắc xin chuyển giao công nghệ, hiện có 2 sản phẩm, một do Vingroup đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8-2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 – 200 triệu liều/năm.
Vắc xin thứ 2 do Công ty AIC và Công ty Vabiotech ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin do Nhật Bản nghiên cứu. Dự kiến tháng 6-2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc xin ra thị trường.
Bên cạnh đó, Vabiotech đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik V từ bán thành phẩm. Dự kiến 10-8 sẽ có kết quả kiểm định chất lượng vắc xin đóng ống tại Việt Nam, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8-2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Sẵn sàng sửa đổi các quy định
Trước khi phiên họp này diễn ra, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và công nghệ đã có nhiều cuộc họp với các nhà sản xuất vắc xin trong tháng 7 này, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin. Bộ Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm tổ trưởng.
Dự kiến trong cuối tháng 7-2021, các chuyên gia WHO sẽ đến Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá các vắc xin sản xuất trong nước cũng như các vắc xin chuyển giao công nghệ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hôm 21-7 các bên đã có cuộc họp trực tuyến đầu tiên.
Trong khi đó, Luật dược hiện hành có quy định về cấp phép khẩn cấp, nhưng tiền lệ trước khi xảy ra dịch COVID-19 chưa từng có sản phẩm nào được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp như 6 vắc xin ngừa COVID-19 nhập khẩu đã được phê duyệt vừa qua, và sắp tới là 4 vắc xin sản xuất trong nước.
Quan điểm chung của các bộ liên quan là sửa đổi các quy định cấp phép khẩn cấp phục vụ phòng chống đại dịch, có thể cắt giảm, rút gọn quy trình hành chính nhưng bảo đảm yêu cầu về chuyên môn.
Bộ Y tế và Bộ Tư pháp cùng được giao xem xét về cải cách thủ tục, sửa đổi các vướng mắc về pháp lý, đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết trong đó có nội dung liên quan tới vấn đề này. Thủ tướng đã yêu cầu 2 bộ Y tế – Tư pháp khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung, thủ tục cần thiết để trình Quốc hội.
Đẩy nhanh tiêm chủng từ cuối tháng 7
Theo thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dự kiến ngày 25-7 sẽ có thêm 3 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 Moderna, do Mỹ tài trợ cho Việt Nam thông qua COVAX, về đến Việt Nam.
Với lô vắc xin này, tổng số vắc xin đã đến Việt Nam sẽ lên mức trên 14 triệu liều, trong đó số đã sử dụng khoảng 4,5 triệu liều. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết dự kiến tốc độ tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh từ cuối tháng 7 này.
Dành ưu tiên đặc biệt cho vắc xin
Đây là yêu cầu của Thủ tướng trong tiến trình đẩy nhanh thủ tục cấp phép, sản xuất, phát triển vắc xin ngừa COVID-19 trong nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các đầu mối chuyển giao công nghệ vắc xin, xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, bảo đảm bình đẳng, minh bạch để vắc xin trong nước sớm có mặt phục vụ tiêm chủng.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong điều kiện hiện nay, trước sự cấp bách, tính khẩn trương của các vấn đề thực tiễn, sự mong mỏi của người dân và yêu cầu phòng chống tiêu cực, tham nhũng, các bộ ngành khi triển khai các nhiệm vụ trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát và cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng. “Dứt khoát phải đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc, đặt cái chung lên trên hết”, Thủ tướng nói.
https://tuoitre.vn/tin-vui-thang-8-nop-ho-so-dang-ky-vac-xin-nano-covax-20210724002630298.htm
Người xem: 0