Tình trạng dắt chó thả rông nơi công cộng: Nỗi lo cho người dân và du khách

Thời gian qua, tình trạng người dân dắt chó chưa rọ mõm ra đường, đặc biệt là tại các khu vực công viên, bãi biển đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) gây nguy hiểm cho người dân và mất vệ sinh môi trường.

Ông Phạm Duy Mẫn (phường Tân Lập, Nha Trang) cho biết, mặc dù thành phố đã lắp đặt nhiều bảng cấm, thông báo tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, nhưng trên tuyến bờ biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, tình trạng chó thả rông không rọ mõm đi trên đường phố, công viên vẫn liên tục diễn ra. “Nhiều người dân còn thản nhiên dắt chó xuống biển tắm. Có lần, tôi chứng kiến con chó hung hăng tấn công người dân đang chạy thể dục buổi sáng, làm mọi người lo sợ”, ông Mẫn nói.

Chó không rọ mõm thả rông trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: Vân Hằng
Chó không rọ mõm thả rông trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: Vân Hằng

Theo phản ánh của nhiều người dân, hiện nay, ý thức của chủ vật nuôi chưa có chuyển biến, đôi khi còn mất bình tĩnh, nóng giận, chống đối lại lực lượng chức năng khi bị nhắc nhở. Do đó, tình trạng nói trên không những chưa được khắc phục mà còn có chiều hướng lan rộng, tạo nên hình ảnh phản cảm nơi công cộng.

Được biết, trước đây, UBND TP. Nha Trang đã chủ động phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh thành lập Tổ liên ngành chuyên trách gồm: Chi cục Thú y, Công an, Đội Thanh niên xung kích, Phòng Quản lý đô thị tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, đẩy đuổi và xử lý các trường hợp dắt, thả rông chó không được rọ mõm vào công viên, đưa chó đi tắm chung với người trên tuyến bờ biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Qua triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả, tình hình vi phạm giảm hẳn, được nhân dân và du khách đồng tình.

Tuy nhiên, từ khi có Thông tư số 24 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 7-2-2020 quy định: “Đối với cấp xã: quy định cụ thể việc bắt, giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý, thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt trong trường hợp 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận”, đã gây khó khăn cho UBND các xã, phường do thiếu nhân lực hoặc nhân lực không đủ chuyên môn. Bên cạnh đó, chưa có các văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về quy trình xử lý, phương tiện và trang thiết bị, dụng cụ bắt chó là tự chế thô sơ… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người làm nhiệm vụ. Ngoài ra, tại các địa phương chưa bố trí được khu vực tạm thời nuôi, nhốt chó vi phạm hoặc quá thời gian lưu trữ nhưng chủ vật nuôi không đến đóng phạt lại tạo thêm rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Vì vậy, các địa phương và các lực lượng chức năng thành phố chỉ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở, đẩy đuổi mà không có biện pháp xử lý cụ thể bằng việc tạm giữ vật nuôi và xử phạt vi phạm hành chính nên không có hiệu quả.

Tháng 7-2019, thành phố đã có công văn trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y tỉnh (đơn vị có cơ sở tạm giữ thú nuôi và kỹ năng chuyên môn Thú y) hỗ trợ, phối hợp UBND TP. Nha Trang thành lập Tổ liên ngành chuyên trách xử lý, bắt chó thả rông trên địa bàn, nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo triển khai thực hiện.

Thời gian tới, UBND TP. Nha Trang sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, buộc các chủ nuôi chó phải có cam kết không để chó thả rông, chích ngừa đầy đủ cho chó, có rọ mõm bảo hiểm khi đưa chó ra đường và đảm bảo giữ vệ sinh môi trường…

THÁI THỊNH
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202203/tinh-trang-dat-cho-tha-rong-noi-cong-cong-noi-lo-cho-nguoi-dan-va-du-khach-8246110/

Người xem: 29

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *