“Trị thủy” cho thành phố

Được mệnh danh là vùng đất “Tứ thủy triều quy”,  Nha Trang thường xuyên bị ngập khi vào mùa mưa lũ. Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt ngày càng trầm trọng, nhất là khu vực phía tây thành phố trở thành rốn nước. Vì vậy, khi quy hoạch thành phố trong tương lai cần tính đến việc chống ngập lâu bền.

 

Phía tây Nha Trang bị ngập nặng trong đợt lụt cuối tháng 11 đầu tháng 12-2021. Ảnh: BÁ DUY
Phía tây Nha Trang bị ngập nặng trong đợt lụt cuối tháng 11 đầu tháng 12-2021. Ảnh: BÁ DUY

 

Kỳ 1: Sống chung với… ngập lụt

 

Nước lên nhanh, rút chậm

Chỉ cho chúng tôi vết nước ngập vẫn còn in trên tường, ông Trần Liên (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) cho biết: “Nhiều năm trước đây, cứ vài ba năm, khu vực này mới bị ngập một lần, mỗi lần ngập chỉ khoảng 3-4 giờ là rút hết nước. Nhưng 2 năm gần đây, tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn nhiều so với trước. Năm ngoái, nhà tôi chịu 3 trận ngập, nặng nhất là đợt cuối tháng 11, đầu tháng 12; chỉ vài giờ, nước đã dâng lên cả mét, hầu hết người dân trong vùng đều không kịp trở tay. Nhà tôi ngập sâu gần 2m, xe máy, tủ lạnh, máy giặt, ti vi… hư hết, thiệt hại rất lớn. Điều đáng nói là trước đây nước lên chậm, rút nhanh còn bây giờ ngược lại, nước lên rất nhanh và rút rất chậm, phải gần 2 ngày nước mới rút ra khỏi nhà…”.

 

Nước sông Cái Nha Trang dâng nhanh khi mưa lớn kéo dài.
Nước sông Cái Nha Trang dâng nhanh khi mưa lớn kéo dài.

Ở cạnh nhà ông Liên, bà Hoa cũng chịu chung nỗi khổ vì ngập lụt. Bà Hoa than thở: “Vợ chồng tôi là lao động tự do, vất vả quanh năm mới sắm được một số đồ dùng phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng năm ngoái, nước lũ tràn về nhanh quá, không kịp di chuyển nên đồ đạc cũng trôi theo dòng nước… Tôi đã tính bán nhà tìm nơi khác ở”.

Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, những năm qua, khu vực các xã phía tây thành phố thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, đặc biệt là nước dâng nhanh làm ngập sâu, nhưng thoát chậm mỗi khi hồ Suối Dầu và hồ Am Chúa xả điều tiết, kết hợp với nước lũ và triều cường trên sông Cái, sông Quán Trường; ngập nặng ở khu vực dân cư các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái và các tuyến đường 23-10, Hương lộ 45… gây chia cắt. Những năm gần đây, tình hình ngập lụt có diễn biến bất thường, nước lũ dâng nhanh trong thời gian ngắn và thoát chậm, có khi đến 2-3 ngày, làm cho người dân vùng lũ không đủ thời gian để di dời tài sản đến nơi an toàn, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân.

Nhiều nguyên nhân gây ngập

Một thời gian dài thực địa ở các vùng hay ngập lụt, chúng tôi nhận thấy nhiều dòng sông bị bồi lấp, chiếm dụng để xây dựng công trình, nhà ở. Cùng với đó, nhiều tuyến kênh, sông thoát lũ không được khơi thông, cỏ mọc um tùm, lòng sông ngày càng thu hẹp. Như sông Tháo chảy qua địa bàn xã Vĩnh Thạnh (1 nhánh của sông Cái) có tới 10 hộ dân chiếm dụng lòng sông để xây dựng các công trình. Cống thoát nước ngang nối từ đường 23-10 có khẩu độ 1m nhằm thoát lũ ra sông Quán Trường, nhưng đã bị lấp lại bởi cửa hàng giới thiệu sản phẩm của hãng xe ô tô Toyota. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu cửa hàng này khắc phục, trả lại nguyên trạng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn trả.

 

Một nhánh sông Cầu Bè đoạn qua xã Vĩnh Thạnh bị chiếm dụng gây hẹp dòng chảy.
Một nhánh sông Cầu Bè đoạn qua xã Vĩnh Thạnh bị chiếm dụng gây hẹp dòng chảy.

 

Ông Nguyễn Đắc Tài – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Trong ít năm tới, hồ chứa nước Sông Chò 1 đi vào hoạt động, với dung tích gần 110 triệu m3 nâng tổng sức chứa các hồ đập trên lưu vực sông Cái lên hơn 150 triệu m3. Nếu các hồ đập đồng loạt xả lũ về hạ du Nha Trang, sẽ có nhiều khu vực dân cư ven sông Cái bị ngập lụt sâu hơn và lâu rút hơn, phạm vi dân cư bị ảnh hưởng rộng và thiệt hại nhiều hơn. Cùng với đó, lượng mưa ở Khánh Vĩnh có xu hướng ngày càng nhiều hơn, biên độ tăng 18,84mm/năm sẽ làm lượng nước về hạ lưu càng nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết, 2 xã Vĩnh Thạnh và Vĩnh Trung bị ngập nặng nhất trong các xã vùng ven Nha Trang. Mấy năm gần đây, việc san lấp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm khu dân cư mới tại thôn Phú Trung 2 (khoảng 3ha) đã chặn dòng chảy thoát lũ đổ về các con sông nên địa bàn bị ngập rất nặng. Ngoài ra, kè ngăn mặn cầu Vĩnh Phương có mực nước chênh lệch giữa hạ lưu và thượng lưu rất lớn khiến nước lũ không thể rút cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt.

Theo ông Lê Đại Dương – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra khá nhanh. Các khu đô thị mới, khu tái định cư ở phía hạ lưu được hình thành với cao độ san nền theo quy hoạch bình quân từ 3 đến 4m; cao độ nền đường 23-10 là 4 đến 6m và đường Võ Nguyên Giáp khoảng 5 đến 8m theo chiều từ đông sang tây. Trong khi đó, cao độ nền hiện trạng khu vực dân cư ở các xã phía tây Nha Trang bình quân chỉ khoảng 2,6m. Cá biệt cao độ nền ở xã Vĩnh Thạnh chỉ 2,4m. Cao độ nền khu vực phía đông cao hơn phía tây, tạo thành đê chắn nước tự nhiên, trong khi các con sông, hệ thống thoát lũ chưa phát huy hết công năng khiến cho nước thượng nguồn đổ về không thoát được gây ngập cho các xã phía tây Nha Trang.

Bên cạnh đó, ở các xã vùng ven Nha Trang, người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất ở nông thôn, hình thành nên những khu dân cư tự phát. Những khu vực này vốn có cao độ thấp, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần phải san nền để xây dựng, cộng với việc làm đường nhỏ hẹp không có hệ thống thoát nước khiến tình trạng ngập lụt càng thêm trầm trọng.

Công trình thoát lũ thiếu hiệu quả

Ông Nguyễn Duy Quang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân gây ngập ở khu vực phía tây Nha Trang còn do các dự án thoát lũ, chỉnh trị sông chưa được đầu tư đồng bộ, kết nối. Chẳng hạn như: Dự án Chỉnh trị sông Quán Trường mới chỉ thực hiện từ cầu Bình Tân đến Đập Nước; trong khi đoạn sông Quán Trường nối từ hạ lưu cầu đường sắt Phú Vinh về Đập Nước đã bị chặn, làm mất nguồn nước của sông Quán Trường, đoạn nối hướng sông Cái qua cầu Dứa qua xã Vĩnh Ngọc từ lâu nay không được cập nhật quy hoạch nên đã bị lấn chiếm, bồi lấp. Dự án Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đầu sông Tắc chỉ thực hiện từ cầu Phong Châu đến cầu đường sắt Phú Vinh; đoạn cuối tuyến nối ra sông Đồng Bò chưa được khơi thông và còn bị thu hẹp dòng chảy bởi các dự án khu đô thị mới thuộc quy hoạch Khu đô thị – công viên – trung tâm hành chính mới của tỉnh đang tổ chức san nền lấp sông; đoạn từ cầu đường sắt Phú Vinh đến cầu Xuân Sơn (đường Võ Nguyên Giáp) chưa được nạo vét khơi thông; tuyến nhánh phụ từ cầu Sông Con chảy tràn dọc theo núi Chín Khúc về đập tràn trên sông Tắc chưa được đầu tư. Vì vậy, khi có lũ từ hồ Suối Dầu, nước thoát không kịp, gây ngập khu vực dân cư Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp.

 

Sông Quán Trường đoạn qua xã Vĩnh Hiệp bị bồi lấp thành ốc đảo ngay giữa lòng sông.
Sông Quán Trường đoạn qua xã Vĩnh Hiệp bị bồi lấp thành ốc đảo ngay giữa lòng sông.

Cùng với đó, trước đây, sông Kim Bồng được nối thông với sông Quán Trường qua cầu Chợ Mới (đường 23-10) và cống đường sắt. Hiện nay, Khu đô thị Lê Hồng Phong II và tuyến cống thoát nước thải dọc theo đường sắt của Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang đã cắt nguồn nước, chỉ còn lưu thông với nhánh sông Bà Vệ. Ngoài ra, các tuyến sông, suối tiếp giáp lân cận để chuyển tải, lưu thông nước giữa các đoạn sông đến nay vẫn chưa được nghiên cứu tổng thể, chưa được đầu tư đồng bộ như: Nạo vét sông Kim Bồng, Bà Vệ; tuyến kênh đào Vĩnh Trung; các tuyến thoát lũ khơi thông thượng lưu cầu Bình Tân; hệ thống thoát lũ cho hồ Suối Dầu… Do đó, việc giải quyết thoát lũ chưa đáp ứng so với thực tế.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong đợt lụt gần nhất là cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021, 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Thạnh bị ngập nặng nhất, hầu như các thôn đều ngập, có gần 5.800 hộ với 25.000 người dân bị cô lập hoàn toàn; các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc cũng đều ngập sâu.

THÀNH NAM – HỒNG ĐĂNG

https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202207/tri-thuy-cho-thanh-pho-8257288/

Người xem: 3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *