Trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến công du tới Washington, tham gia hàng loạt hội nghị cấp cao với các đồng minh phương Tây và nhiều cuộc gặp khác với các quan chức Mỹ công tác ở châu Âu. Trong mỗi sự kiện, Trung Quốc luôn là chủ đề được quan tâm nhất.
Bà cũng có một loạt cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông cẩn thận nhắc nhở bà về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu và sự độc lập với Mỹ trong chính sách đối phó Trung Quốc, trong khi nữ Thủ tướng Đức vẫn tiếp tục tìm kiếm những lĩnh vực mà đôi bên có thể hợp tác.
Từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel rời Điện Elysee ở Paris sau một cuộc họp hồi tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.
Đây là đặc điểm điển hình của Thủ tướng Merkel, người suốt 16 năm qua được coi là nhà bảo trợ chính cho mối quan hệ EU – Trung Quốc, vốn lâu nay vẫn chú trọng đến thương mại song phương.
Việc bà chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng dài nhất lịch sử Đức được dự đoán sẽ khiến mối quan hệ EU – Trung Quốc trở nên bấp bênh. Một làn sóng phản đối Trung Quốc đang bùng lên ở châu Âu khi các chính trị gia, nhóm nhân quyền và truyền thông liên tục gây áp lực, kêu gọi khối phải có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Châu Âu đang bị mắc kẹt giữa hai siêu cường và sẽ sớm mất đi người “trọng tài” giàu kinh nghiệm nhất của họ. Câu hỏi đặt ra lúc này là ai sẽ lấp đầy khoảng trống mà Thủ tướng Merkel để lại.
Trung Quốc kỳ vọng vào một tân thủ tướng Đức sẽ duy trì hiện trạng mối quan hệ giữa nước này với châu Âu. Điều đó có thể xảy ra theo hai kịch bản, nhưng cả hai đều có những điểm phức tạp riêng.
Kịch bản đầu tiên là ứng viên Armin Laschet thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của (CDU) lên làm thủ tướng và theo đuổi chiến lược tương tự người tiền nhiệm đối với Trung Quốc.
Hồi tháng 5, CDU bỏ xa đảng Xanh trong các cuộc thăm dò tín nhiệm, nhưng tình thế đang dần thay đổi sau thảm họa lũ lụt ở phía tây đất nước hồi tháng trước khiến 164 người chết và hơn 100 người mất tích. Tỷ lệ ủng hộ CDU đã giảm xuống chỉ còn 26%, trong khi đảng Xanh tăng lên 21%.
Theo một cuộc thăm dò do Forsa thực hiện, tỷ lệ ủng hộ đối với Laschet đã giảm xuống còn 17% sau khi ông bị bắt gặp cười khúc khích khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đang phát biểu về lũ lụt. Tỷ lệ ủng hộ đối với ứng viên Annalena Baerbock của đảng Xanh và Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội lần lượt là 19% và 18%, trong khi 45% số người tham gia trả lời thăm dò nói họ không thích bất kỳ ứng viên nào.
Có vẻ như đảng Xanh, vốn ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong liên minh cầm quyền tiếp theo ở Đức nếu Laschet đắc cử. Nhưng ngay cả khi đó, ông sẽ phải nỗ lực rất nhiều và phải mất một khoảng thời gian nhất định mới có được ảnh hưởng như Thủ tướng Merkel tại EU.
“Tôi nghĩ ông ấy sẽ cần thời gian. Ông ấy thực sự là một chính trị gia tài giỏi hơn mọi người nghĩ. Bạn không thể đạt được vị trí của ông ấy nếu như không có tài”, Jonathan Hackenbroich, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét. “Nhưng ông ấy chưa quen mặt và cũng chưa giao thiệp nhiều với tất cả những người đứng đầu chính phủ trong khối”.
“Laschet chắc chắn muốn duy trì chính sách với Trung Quốc giống như bà Merkel, nhưng sẽ gặp khó khăn hơn. Tôi nghĩ có rất nhiều áp lực và Merkel, nhờ sức ảnh hưởng cùng mối hợp tác giữa bà với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà các chính sách của bà đứng vững. Nhưng người kế nhiệm Merkel sẽ khó lòng chịu được những áp lực như vậy”, Frans-Paul van der Putten, điều phối viên Trung tâm Trung Quốc Clingendael ở The Hague, Hà Lan, đánh giá.
Một kịch bản yêu thích khác của Bắc Kinh là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đứng ra đảm nhận vai trò quan trọng của Thủ tướng Merkel trên sân khấu chính trị châu Âu, sau đó tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp vào năm tới. Macron là một người ủng hộ mạnh mẽ khái niệm “tự chủ chiến lược” của châu Âu.
Giới quan sát cho rằng Đức nhiều khả năng sẽ duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt với Trung Quốc, bất kể ai kế nhiệm Merkel, nhưng tình hình ở Pháp sẽ mơ hồ hơn nếu ứng viên Marine Le Pen từ đảng Mặt trận Quốc gia hay Xavier Bertrand, chủ tịch hội đồng khu vực Hauts-de-France, đánh bại Macron trong cuộc bầu cử mùa xuân năm sau.
Jiang Shixue, giáo sư tại Đại học Thượng Hải, tin rằng một lãnh đạo châu Âu cần hội đủ hai điều kiện để trở thành nhà bảo trợ chính cho mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Trung Quốc.
“Họ phải là tiếng nói quan trọng trong các vấn đề của châu Âu và có một thái độ đúng đắn về Trung Quốc. Merkel và Macron hội đủ hai điều kiện này. Đức và Pháp luôn là những nước lớn ở EU. Vì thế, chúng ta hãy hy vọng các lãnh đạo tương lai của hai quốc gia này sẽ duy trì một thái độ đúng đắn hoặc thân thiện với Trung Quốc”, ông nói.
Hai năm qua, Tổng thống Macron đã sát cánh cùng Thủ tướng Merkel trong nhiều hoạt động liên quan đến Trung Quốc. “Rõ ràng là Thủ tướng Merkel đang muốn hỗ trợ Tổng thống Macron. Dường như bà ấy nghĩ rằng cần phải có một người đứng đầu chính phủ khác ở châu Âu đảm nhận được vai trò đặc biệt mà bà đang gánh vác”, Andrew Small, thành viên cấp cao Chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall, trụ sở ở Washington, nhận định.
“Pháp, Đức và Ủy ban châu Âu, đó là nơi các quyết định được đưa ra và phần còn lại của EU sẽ làm theo. Tôi nghĩ người Pháp và người Đức đã làm khá tốt và khá cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Tôi khen ngợi họ vì điều đó”, cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho hay.
Bastiaan Belder, cựu thành viên Nghị viện châu Âu, kêu gọi phải tạo ra một mối quan hệ thực tế hơn với Trung Quốc bằng cách phá vỡ trục Pháp – Đức đã thống trị EU suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá điều này sẽ là rất khó khăn dù Belder hay các thành viên Nghị viện châu Âu khác muốn chính sách đối ngoại của khối được “dân chủ hóa”.
Một ứng viên nặng ký khác của EU có khả năng thay thế vai trò của Thủ tướng Merkel là Thủ tướng Italy Mario Draghi, nhưng ông được cho là chỉ giữ vai trò này trong thời gian ngắn và Italy, nước Tây Âu duy nhất tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, những tháng gần đây cho thấy họ cũng đang lúng túng về chính sách với Trung Quốc.
Hai lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của EU sau Merkel sẽ là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, song khả năng Orban có thể dẫn dắt EU gần như bằng con số 0.
Chính sách đối ngoại của Hà Lan, vốn có truyền thống đứng về phía Anh và Mỹ hơn là Pháp và Đức, đang được điều chỉnh lại. Chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ khá tương đồng với chính sách mà EU đưa ra trong năm nay và giới phân tích chính trị cho rằng Thủ tướng Rutte sẽ có những thay đổi nhiều hơn đối với chính sách Trung Quốc trong tương lai.
“Việc định hướng lại chính sách đối ngoại sẽ tạo tiền đề để Hà Lan đóng một vai trò tích cực hơn ở EU”, van der Putten nói. “Dù vậy, tôi nghĩ khó có sự thay thế nào cho Đức và rộng hơn là trục Pháp – Đức”.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Người xem: 0