Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Khánh Hòa nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng mạng viễn thông, Internet, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phổ biến nhất là phương thức, thủ đoạn tuyển cộng tác viên (CTV) xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Ngày 4-3, chị P.D.T.M.T (sinh năm 1985, trú phường Phương Sài, TP. Nha Trang) trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng. Cuối tháng 2, qua mạng xã hội Facebook, chị T. thấy trang quảng cáo tuyển CTV xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử (như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…) nên đã liên hệ để xin làm thêm.
Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bị hại, đối tượng lập các trang Facebook có hình ảnh giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử nổi tiếng như “Thương mại điện tử TokyoLive”, “Tuyển dụng CTV Shopee”,…và chạy quảng cáo. Sau khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm CTV thì chúng gửi một loạt các thông tin giới thiệu về địa chỉ, trụ sở công ty, giám đốc, số điện thoại của nhân viên chăm sóc khách hàng và yêu cầu bị hại gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để trao đổi, tư vấn. Cách thức làm việc rất đơn giản, nhân viên chăm sóc khách hàng copy và gửi liên kết (đường link) giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, sau đó yêu cầu CTV nhấn vào liên kết kiểm tra tính chính xác của đơn hàng và giá của sản phẩm. Đặc biệt, chúng yêu cầu CTV không được mua hàng trên các trang này với lý do “nếu mua hàng thì anh (chị) là khách hàng mua hàng. Còn CTV của công ty thì anh (chị) chỉ cần chụp màn hình gửi vào Zalo để kiểm tra đơn hàng và chuyển tiền hàng trực tiếp vào tài khoản của công ty là hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng 5 đến 10 phút sau công ty sẽ tự động chuyển lại tiền hàng cùng tiền hoa hồng từ 5% đến 20% giá trị đơn hàng cho anh (chị)”. Để tạo niềm tin, ban đầu đối tượng gửi đường link sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,… có giá trị lớn hơn từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng như điện thoại, xe máy… và yêu cầu CTV tiếp tục thực hiện các bước như: xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty nhưng lúc này phía công ty không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng ngay mà lấy lý do bảo trì hệ thống hoặc lý do khác để yêu cầu CTV tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo, hứa hẹn xong sẽ nhận tiền gốc và hoa hồng một lần. Cứ như vậy cho đến khi CTV không còn khả năng chuyển tiền nữa, nhận ra đã bị lừa đảo tài sản.
Tương tự, đầu tháng 3, chị Đ.T.H.Y (sinh năm 1983, trú phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) cũng bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 500 triệu đồng. Thông qua mạng xã hội Facebook, chị Y. quen biết một người tự xưng là Nguyễn Văn Chiến, hiện đang là quản lý tại công ty GMC có trụ sở tại số 43, tổ 34, đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Người này sử dụng số điện thoại 0764***876, liên lạc qua gọi điện và nhóm Telegram trao đổi, hướng dẫn chị Y. truy cập vào trang “Vietlotts” thông qua đường dẫn “vietlotts888.com” để làm CTV cho công ty Vietlotts. Ngoài Chiến còn có một số đối tượng khác cũng tự xưng là nhân viên công ty GMC liên lạc với chị Y., nhóm đối tượng hướng dẫn chị Y. nạp tiền vào các số tài khoản theo chỉ dẫn để “đẩy doanh thu cho công ty Vietlotts”, sau đó sẽ được công ty trả lại tiền gốc và thêm tiền hoa hồng. Tin là thật nên chị Y. đã thực hiện 10 giao dịch chuyển tiền vào các tài khoản đối tượng yêu cầu. Khi chị Y. muốn rút tiền khỏi tài khoản, lấy lý do cần phải đóng tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền phí do giao dịch lỗi… các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị Y. nộp các khoản tiền khác để tiếp tục chiếm đoạt tài sản, đến lúc này chị Y. mới nhận ra mình bị lừa và trình báo cơ quan công an.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh xác định đây là hình thức lừa đảo mới, đánh vào tâm lý người dân thích chủ động trong công việc, kiếm thêm thu nhập trong thời điểm kinh tế khó khăn đồng thời tin tưởng vào các sàn thương mại điện tử uy tín như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Vietlotts… các đối tượng lợi dụng tạo các trang giả mạo trang bán hàng uy tín nhằm dẫn dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, các trang này có tên và hình đại diện giống như các trang chính thống để tạo sự tin tưởng cho bị hại, nhưng nếu chú ý chúng ta sẽ nhận thấy những trang này có lượt thích, lượt theo dõi rất ít (chỉ từ vài trăm đến vài nghìn).
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh đề nghị công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về phương thức, thủ đoạn phạm tội của loại tội phạm trên, đồng thời chủ động nắm tình hình, đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.
P.V
https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202203/tuyen-cong-tac-vien-san-thuong-mai-dien-tu-thu-doan-moi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-8247376/
Người xem: 17