Chơi xuống sức, Phan Văn Đức (20) cần được thay thế để tạo xung lực mới cho cánh trái của tuyển Việt Nam – Ảnh: AFC
Cựu tuyển thủ Quang Hải nói: “HLV Park Hang Seo nổi tiếng với sự thận trọng cùng thói quen sử dụng những cầu thủ đã gắn bó xuyên suốt từ khi ông đến Việt Nam. Cách làm này cũng có lý khi mang lại sự ổn định trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam”.
* Nhưng chưa hẳn đó là điều tốt?
– Đúng, bởi nó khó có thể mang lại sự sáng tạo, đột biến trong lối chơi. Bên cạnh đó, lối đá của đội tuyển Việt Nam dễ bị bắt bài và vô hiệu hóa do bị đối phương nghiên cứu đến thói quen của từng cầu thủ trên sân.
* Cơ sở nào anh đưa ra nhận định trên?
– Trước trận gặp Saudi Arabia, tôi rất tự ái khi đọc thông tin HLV Hevre Renard tuyên bố sẽ chỉ đạo cầu thủ Saudi Arabia tấn công vào cánh trái của Việt Nam bởi đó là nơi yếu nhất. Thực tế, Văn Thanh phải mệt nhoài chống trả những đợt tấn công của các cầu thủ Saudi Arabia. Nếu tiền vệ Phan Văn Đức đánh chặn hiệu quả, cánh này không bị uy hiếp nặng nề đến như vậy.
* Như vậy, đội tuyển Việt Nam cần làm mới lối chơi?
– Đây không phải là lúc làm mới lối chơi, mà cần làm mới đội hình xuất phát. Nói thẳng ra là thay thế những cầu thủ thể hiện phong độ không ở mức cao nhất như thường thấy.
* Điều này có gây ảnh hưởng tâm lý đến tuyển thủ bị thay thế?
– Cầu thủ không phải là cái máy để mở công tắc là chạy. Là con người, cầu thủ cũng bị tác động từ nhiều thứ ở xung quanh nên có lúc anh chơi thăng hoa, có lúc anh thi đấu vật vờ… Vì vậy, sự thay thế là điều tốt cho cầu thủ, nó giúp họ có thời gian phục hồi sự hưng phấn trong thi đấu. Mặt khác, nó cũng giúp tăng sự cạnh tranh trong đội ngũ bởi mọi người phải nỗ lực để tìm kiếm cơ hội thi đấu cho mình.
* Nhưng anh có nghĩ rằng HLV trưởng cũng chịu rất nhiều sức ép trong quyết định nhân sự bởi nó quyết định đến thành công của một trận đấu, một giải đấu?
– Đúng vậy. Nhưng đó là trách nhiệm của HLV trưởng. “Không đi sao thành đường”, không thử nghiệm nhân sự mới thì làm sao tìm được con người thích hợp mới và tạo được đột biến trên sân. Nhìn xa hơn, sự thử nghiệm nhân sự còn để hướng đến tương lai của đội tuyển, bởi không “mài” thì làm sao tìm ra được “ngọc trong đá”.
Tôi còn nhớ ở VCK U23 châu Á 2018 tại Thường Châu, con mắt dùng người của ông Park đã giúp bóng đá Việt Nam có một “hạt ngọc” là tiền vệ trái Phan Văn Đức. Khi nhiều người lo lắng vì mất hậu vệ trái Văn Hậu thì ông Park lẩy ra một lá chắn khác là Xuân Mạnh.
Rồi hàng công ngoài Công Phượng, một Hà Đức Chinh cũng rực sáng và có chỗ đứng trong tuyển Việt Nam sau đó. Xem hàng công U23 lúc ấy rất thích bởi khi thì Công Phượng khéo léo xử lý và ghi bàn trong không gian hẹp, lúc thì Hà Đức Chinh mạnh mẽ trong việc ghi bàn… Chính điều này khiến đối phương rất khó đoán định và bị bất ngờ trước lối chơi của U23 Việt Nam.
* Theo anh, những cái tên nào có thể chơi ở trận gặp tuyển Úc?
– Chưa nói đến các tân binh, ngay “người cũ” cũng có những cái tên khá ổn như Hồng Duy chẳng hạn. Cánh trái của tuyển VN có phần khởi sắc hơn khi Hồng Duy đá thay Phan Văn Đức trong 25 phút cuối trận thua 1-3 trước Saudi Arabia. Đức Huy cũng là một sự lựa chọn.
Trong trường hợp cánh trái ổn, nên đưa Văn Thanh về lại cánh phải để Trọng Hoàng có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó cũng còn những cái tên khác như Hồ Tấn Tài, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình. Bộ ba này cao trên 1,80m trẻ, khỏe, chịu đá áp sát và chơi tốt ở trung vệ lẫn hậu vệ phải. Văn Kiên cũng là ứng viên khi sở trường với vị trí này ở CLB Hà Nội. Nói chung có khá nhiều sự lựa chọn cho ông Park trước lúc gặp tuyển Úc vượt trội về thể hình.
Ở hàng công, để thoát ra khỏi lối chơi pressing của Úc, đòi hỏi cầu thủ phải có tốc độ, sự khéo léo cùng với lối chơi dám “ăn miếng trả miếng”. Với đòi hỏi này, tôi tiến cử hai cái tên là tân binh Tuấn Hải và cựu binh Đức Chinh.
https://tuoitre.vn/tuyen-viet-nam-o-vong-loai-thu-3-world-cup-2022-khong-di-sao-thanh-duong-20210905215847445.htm
Người xem: 45