Người ta nói “cửa sinh cũng là cửa tử”, mang bầu, đi sinh lúc bình thường đã khó, sinh nở giữa đợt bùng phát dịch còn khó khăn hơn nhiều. Bởi bên cạnh việc tiềm ẩn với những nguy cơ biến chứng sản khoa nguy hiểm, còn hiện diện nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho mẹ và con.
Khi mẹ bầu là F0
Nhận quyết định ra viện sau 15 ngày điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 7 (tại Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương Nha Trang), sản phụ N.T.A.V (mang thai ở tuần thứ 30), trú phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang rất mừng. Trong khi các mẹ bầu khác tích cực tẩm bổ cho giai đoạn cuối thai kỳ thì chị V. lại vật lộn với những triệu chứng sốt, ho, khó thở… vì nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Chị V. nhớ lại, ngày nhận kết quả dương tính, chị đã bật khóc vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. “Lúc đó, tôi chỉ biết đem theo một số đồ dùng cá nhân, thuốc cho bà bầu, rồi đi theo cán bộ y tế tới Bệnh viện dã chiến. Chồng và con trai thì cách ly tại nhà. Rất may, tình trạng của tôi nhẹ và nhờ sự chăm sóc chu đáo, động viên liên tục của đội ngũ y, bác sĩ nên tâm lý của tôi dần thoải mái hơn, sức khỏe cũng mau phục hồi”.
Đầu tháng 8, sản phụ N.T.B.N (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang, thai 37 tuần) trở thành F1 khi bố mẹ và chị gái đều dương tính với SARS-CoV-2. Dằn lại lo lắng để người nhà yên lòng, chị mang valy chứa tất cả đồ đi sinh theo đội ngũ y tế đi cách ly tập trung tại một khách sạn. Trong thời gian cách ly, chị N. đau bụng nên được chuyển vào khu cách ly tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Sau 1 tuần điều trị, kết quả xét nghiệm khẳng định chị dương tính với SASR-CoV-2. “Tuy đã chuẩn bị tâm lý trở thành F0, nhưng khi nhận kết quả, tôi vẫn rất sốc, rất lo sợ. Cũng may, tôi có triệu chứng nhẹ. Hàng ngày, được bác sĩ thăm khám, đo tim thai, biết con vẫn bình an, khỏe mạnh tôi mừng lắm! Đó là động lực giúp tôi vững tin vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị N. tâm sự.
Ở các BV dã chiến, khu điều trị Covid-19, không khó bắt gặp những ánh mắt lo lắng của các mẹ bầu F0 như chị V., chị N., bởi chặng đường điều trị bệnh và “vượt cạn” trước mắt sẽ không có người thân bên cạnh. Để động viên chính mình, các sản phụ F0 thường xoa tay lên bụng để cảm nhận đứa con đang khỏe mạnh và lớn dần lên, vừa như nhắn nhủ với con “cùng cố gắng với mẹ”. Chính đứa con người mẹ đang mang trong bụng là động lực để họ cố gắng ăn uống, tích cực điều trị để “vượt cạn” thành công.
Nỗi lo “vượt cạn” một mình
Khác hẳn sự đông đúc trước đây, Khoa Sản của BVĐK tỉnh những ngày này khá vắng vẻ. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa, hiện nay, khoa chỉ có hơn chục sản phụ vừa nhập viện.
Được đưa ra từ phòng hồi sức, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết mình như vừa từ cõi chết trở về. Ngày 25-8, chị đẻ rơi tại nhà, bản thân bị băng huyết nặng, trong khi em bé bị đứt cuống rốn. Không có phương tiện để đi viện, chị phải nhờ đến cấp cứu 115 của BVĐK tỉnh nên may mắn được cứu chữa kịp thời. Gia đình chị Hạnh thuộc hộ cận nghèo, thu nhập phụ thuộc vào nghề đi biển của chồng. Nhưng hơn 2 tháng nay, do dịch bệnh, chồng chị phải nghỉ ở nhà, không có tiền nên dù thấy bụng đau lâm râm chị cũng không dám nhập viện sớm vì sợ tốn kém. Khi được đưa lên Khoa Sản, chị cũng không có nổi vài món đồ của người đi sinh. “Chúng tôi phải đi xin các sản phụ ở trong khoa giúp đỡ cho chị Hạnh, người cho miếng lót, người cho quần áo, sữa bột cho em bé…”, một nữ hộ sinh cho biết.
Tuy đã quen với cảnh chồng thường xuyên vắng nhà do trực chiến chống dịch, nhưng chị Nguyễn Thị Thúy Dung (thị xã Ninh Hòa) vẫn cảm thấy hụt hẫng, lo lắng khi phải đi sinh một mình. Do nhiệm vụ nên từ tháng 5 đến nay, chồng chị chưa về nhà. Biết được hoàn cảnh của chị, các y, bác sĩ ở BV Quân y 87 đã hỗ trợ, chăm sóc tích cực để 2 mẹ con “vượt cạn” bình an. Chị Dung chia sẻ: “Lúc bác sĩ ẵm con trai nặng 3kg tới bên mình, tôi mừng muốn khóc vì hạnh phúc. Tôi gọi điện cho chồng để báo tin vui nhưng anh (công tác tại Chi đội Kiểm ngư số 4) đang làm nhiệm vụ trên biển, không có sóng điện thoại”. Trước đó, kíp bác sĩ Khoa Sản, BV Quân y 87 cũng đã mổ bắt con thành công cho trường hợp sản phụ thai to, con nặng gần 4kg. Điều đặc biệt, đây cũng là mẹ bầu đi sinh một mình vì chồng công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đang trực chiến phòng, chống dịch.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, để đảm bảo an toàn trong phòng dịch, các BV đều yêu cầu tất cả bệnh nhân và người nhà khi vào viện phải thực hiện xét nghiệm tầm soát, mỗi sản phụ chỉ có một người nuôi đẻ. Đây cũng là khó khăn mà các sản phụ và gia đình gặp phải trong thời điểm hiện nay. Dịch bùng phát cũng khiến nhiều thai phụ lo lắng về khả năng lây nhiễm dịch bệnh khi ngày “vượt cạn” đang đến gần và những khó khăn trong chuẩn bị đồ đi sinh. Sản phụ N.P.N (đường Trần Quý Cáp, Nha Trang) cho biết, chị bị “mắc kẹt” khi từ TP. Hồ Chí Minh về Nha Trang tránh dịch, vẫn chưa mua đủ đồ đi sinh khi chỉ còn cách ngày dự sinh hơn 1 tuần.
Đảm bảo an toàn cho mẹ và bé
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Hoàng Phong – Trưởng khoa Sản, BVĐK tỉnh cho biết, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, trong đó có sản phụ, ngay thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4, BV đã thực hiện nhiều giải pháp để sàng lọc, hạn chế thấp nhất tình trạng F0 vào BV (thông qua test nhanh kháng nguyên trước khi bệnh nhân vào viện, sàng lọc bằng xét nghiệm 3 ngày/lần cho cán bộ y tế, người nuôi bệnh và bệnh nhân, khai báo y tế, đo thân nhiệt hàng ngày…). Đồng thời, thành lập phòng mổ riêng cho những bệnh nhân nghi ngờ F0 và xác định F0; xây dựng kịch bản cho các tình huống xấu xảy ra. Cùng với đó, tại BV đã thành lập khu vực cách ly, chăm sóc và đỡ đẻ dành cho những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Covid-19. Giữa tháng 8, sau khi thực hiện sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên, BVĐK tỉnh phát hiện sản phụ F0. Để đảm bảo sức khỏe cho sản phụ và thai nhi, BV đưa bệnh nhân tới khu cách ly của BV, cử nhân viên y tế chăm sóc, đỡ đẻ cho bệnh nhân. Những trường hợp bệnh nhân và người nhà đi sinh phải ở lại do một số khoa bị phong tỏa (trong đó có Khoa Sản) đều được BV chăm lo bữa ăn đầy đủ.
Lần thứ 2 chọn sinh con tại BV 22-12 lại đúng vào lúc dịch bùng phát, chị Phạm Thị Minh Tuyết (huyện Cam Lâm) cảm nhận rõ sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ cho sản phụ tại BV. “Tuy tôi nhập viện trước ngày sinh nhưng khi thanh toán viện phí, BV đã miễn phí tiền phòng nội trú của ngày trước sinh. Tôi rất cảm động vì sự sẻ chia này của BV với bệnh nhân”, chị Tuyết nói. Hiểu được những khó khăn của thai phụ trong thời gian dịch bệnh, đặc biệt là phương tiện đi lại để nhập viện trong lúc trở dạ, BV 22-12 đã triển khai chương trình miễn phí xe cứu thương đón sản phụ đi sinh; đồng thời miễn phí 2 ngày phòng nội trú trước sinh.
Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Trần Hiếu Thuận – Chủ nhiệm Khoa Sản, BV Quân y 87 cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội, BV đón nhiều sản phụ đi sinh một mình do chồng công tác trong lực lượng phòng, chống dịch như lực lượng vũ trang, y tế… Để sản phụ và các gia đình yên tâm, BV luôn cắt cử nhân viên, hộ sinh chăm sóc từng bữa ăn, giúp đỡ các sinh hoạt hàng ngày và động viên tinh thần cho sản phụ”.
Có lẽ, đi sinh mùa dịch sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên của các sản phụ. Khi cả nước đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 thì các sản phụ cùng với đội ngũ y, bác sĩ sản khoa cũng cố gắng hết sức để “mẹ tròn con vuông”.
DUNG LY
https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202108/vuot-can-mua-dich-8227186/
Người xem: 0