Từ nhiều năm qua, thành phố Nha Trang đã có nhiều nỗ lực để hướng đến xây dựng thành phố “văn minh – thân thiện”. Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của chính quyền thành phố, cần có sự đồng thuận, ý thức của người dân.
Nỗ lực của chính quyền
Từ nhiều năm qua, UBND thành phố đã có nhiều nỗ lực để hướng đến xây dựng thành phố “văn minh – thân thiện”, tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, tháng 8-2016, UBND TP. Nha Trang đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, bao gồm các quy tắc: Ứng xử chung; ứng xử của chính quyền địa phương đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và đối với du khách; ứng xử của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đối với chính quyền địa phương, đối với bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, đối với du khách; ứng xử của người dân; ứng xử của du khách đến TP. Nha Trang…
Mới đây, theo chỉ đạo của UBND TP. Nha Trang, Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang đã đề nghị UBND các xã tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch trên địa bàn ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Nội dung ký cam kết gồm: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến thức ăn, đồ uống; niêm yết thực đơn, giá công khai và không bán cao hơn giá niêm yết; phục vụ khách hàng tận tình, chu đáo, chuyên nghiệp, ân cần; có ý thức trách nhiệm với môi trường và xã hội; không sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến món ăn phục vụ khách; không lợi dụng thời điểm đông khách để ép giá, cung cấp dịch vụ kém chất lượng cho khách; không chèo kéo, đeo bám, nài ép khách du lịch; không có hành vi, thái độ phân biệt đối xử với khách du lịch…
Vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được thành phố quan tâm. Năm 2019, TP. Nha Trang đã triển khai đề án Xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố. Mục tiêu chính của đề án là vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thuộc các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ tại các tuyến đường trung tâm của thành phố cho phép du khách sử dụng miễn phí hệ thống nhà vệ sinh hiện có ở các cơ sở với tinh thần cởi mở, thân thiện. Bên cạnh đó, những năm gần đây, TP. Nha Trang cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân và du khách về việc giữ vệ sinh môi trường, “nói không với rác thải nhựa”…
Đặc biệt, tháng 4-2022, Thành ủy Nha Trang đã ban hành Nghị quyết số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự, mỹ quan đô thị. Theo đó, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các xã, phường và lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, nơi để xe phục vụ kinh doanh; xóa bỏ các điểm họp chợ tự phát; xử lý nghiêm hành vi xả rác, nước thải, quảng cáo không đúng quy định… Đồng chí Hồ Văn Mừng – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang đánh giá: “Sau gần 3 tháng triển khai Nghị quyết số 18, việc lập lại trật tự mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường đã thông thoáng, nhiều chợ tự phát được giải tỏa. Các địa phương thời gian đầu chưa triển khai quyết liệt Nghị quyết số 18 bị phê bình như Vĩnh Hải, Vĩnh Nguyên… nay đã thực hiện tốt hơn và có những thay đổi rõ nét”.
Cần sự đồng thuận của người dân
Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể là chưa đủ, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và của người dân mới là quyết định. Ông Hồ Văn Mừng thẳng thắn nhìn nhận, dù thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền và xử phạt nghiêm các trường hợp đổ rác bừa bãi ra môi trường. Đặc biệt, để Nghị quyết số 18 thực sự hiệu quả, hướng đến một TP. Nha Trang sạch đẹp, văn minh, hiện đại hơn, rất cần sự chung tay ủng hộ và ý thức chấp hành cao của người dân.
Bên cạnh vấn đề trật tự mỹ quan đô thị, tình trạng một số nhà hàng bị khách du lịch tố “chặt chém”, hàng rong đeo bám du khách cũng ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh, thương hiệu du lịch của thành phố biển. Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, tình trạng người bán hàng rong đeo bám khách du lịch ở chùa Long Sơn cũng tái diễn. Tại đây, có một đội quân xe ôm túc trực sẵn ngay bên hông của chính điện để mời chào du khách đi xe lên tham quan tượng Kim Thân Phật Tổ. Nhiều du khách khó chịu khi bị người bán hàng rong, xe ôm làm phiền khi đang tham quan cảnh chùa nên đã sớm rời đi.
Cuối tháng 6 vừa qua, nhà hàng Ngọc Phú, phường Vĩnh Nguyên bị du khách tố “chặt chém” khi bán mì xào bò với giá 200.000 đồng/phần, sau đó đã bị UBND TP. Nha Trang xử phạt. Trước đó, cuối tháng 4-2022, một du khách tố nhà hàng Cô Sương, phường Vĩnh Nguyên tính giá 42,5 triệu đồng cho bữa ăn hải sản cũng khiến dư luận dậy sóng… Những vụ việc này đều được UBND TP. Nha Trang cử lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm, nhưng tiếng xấu đã lan xa trên mạng xã hội. Hình ảnh về một thành phố du lịch vốn nổi tiếng thân thiện, mến khách cũng bị ảnh hưởng rất nhiều sau những vụ việc nói trên. Chính vì vậy, việc xây dựng Nha Trang – văn minh thân thiện cần phải được chú trọng từ gốc là công tác tuyên truyền vận động, sau đó mới đến những chế tài xử lý nghiêm minh.
XUÂN THÀNH
https://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202208/xay-dung-hinh-anh-nha-trang-van-minh-va-than-thien-8259883/
Người xem: 12