Người miền Trung chạy xe máy hơn nghìn km từ TP HCM về quê

KÊNH 79 – Chiều 24/7, anh Hậu đôi mắt đỏ hoe, buồn ngủ cùng nhóm bạn dừng xe máy tại chốt kiểm soát y tế đặt ở Trạm trung chuyển đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc để khai báo y tế. Trở về từ TP HCM, Hậu và nhóm bạn sau đó đã đi cách ly tập trung.

Người dân đi xe máy dừng chân trên đèo Hải Vân. Ảnh: Vạn An

Anh Hậu vào TP HCM làm công nhân may ở quận Bình Tân. Khi TP HCM bùng dịch, lại thất nghiệp, anh quyết định về quê. Do xe liên tỉnh không chạy, tàu từ TP HCM ra Huế tạm dừng, anh và nhóm bạn quyết định chạy xe máy. Trước lúc di chuyển, cả nhóm đi bệnh viện xét nghiệm Covid-19. 10h sáng ngày 23/7, cả nhóm rời TP HCM bằng xe máy về quê, yên tâm với kết quả âm tính trong tay.

“Ra đến Đồng Nai, chốt kiểm soát tại đây kiểm soát rất chặt, thuyết phục mãi họ mới cho đi. Trên đường chạy từ TP HCM ra Huế, nghe tin nhiều tỉnh không cho dừng, mọi người phải thay phiên nhau điều khiển xe máy mới về được quê”, anh Hậu nói và cho biết, mong muốn của anh là Thừa Thiên Huế có chính sách đưa người dân thất nghiệp về quê.

Những ngày qua, trạm kiểm soát y tế đặt ngay trên đèo Hải Vân do công an huyện Phú Lộc thiết lập ghi nhận có hàng nghìn người dân chạy xe máy từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê. Ngoài công dân Huế còn có công dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế dẫn đường cho đoàn xe máy về quê. Ảnh: Hồng Trần

Người Huế từ TP HCM, Bình Dương trở về sẽ được hướng dẫn khai báo y tế và được đưa đi cách ly tập trung. Công dân Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh được xe trung chuyển của Sở Giao thông Vận tải chở từ đèo Hải Vân ra huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Cảnh sát giao thông Huế cũng hỗ trợ nước uống, thức ăn nhanh cho công dân khi dừng chân tại trạm.

Hai ngày qua, trước tình trạng người dân ngoại tỉnh đi xe máy về quá đông, xe trung chuyển quá tải, Trạm cảnh sát giao thông Phú Lộc đã dùng xe ôtô dẫn đường cho đoàn người đi xe máy hơn 150 km từ đèo Hải Vân ra huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

3h ngày 25/7, cảnh sát giao thông Đà Nẵng đã dẫn đường, soi đèn cho 134 người dân đi trên 72 xe máy qua đèo Hải Vân để về quê. Trong đó, chủ yếu là công dân Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Thấy người dân di chuyển liên tục hơn hai ngày, vượt cả nghìn km khá mệt, cảnh sát giao thông Đà Nẵng đã hỗ trợ thức ăn, nước uống cho đoàn. Sau đó, đoàn người chạy xe máy được cảnh sát giao thông Đà Nẵng bàn giao cho cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế đóng chốt trên đèo Hải Vân.

Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh dừng xe một người dân. Ảnh: Đức Hùng

Tại Hà Tĩnh, từ 20/7 đến nay, mỗi ngày có 600 đến 800 người từ TP HCM và các tỉnh có dịch ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương… đi xe máy, ôtô về địa phương.

Một số lao động chia sẻ, do xe khách từ vùng dịch về Hà Tĩnh bị hạn chế, chỉ còn cách đi xe máy, dù biết sẽ ảnh hưởng sức khỏe và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quần áo, chăn màn, đồ ăn nhanh được họ gói để sẵn sau xe. Khi mệt hoặc đói bụng, tài xế chọn bãi đất trống bên đường dừng ăn uống, nằm nghỉ ngơi khoảng hai tiếng để lấy sức.

“Dù rất mệt khi lái xe máy chạy hơn 1.000 km, nhóm bốn người chúng tôi đôi lúc muốn ghé nhà hàng hoặc nhà nghỉ ăn uống, nghỉ ngơi, tắm rửa cho sạch sẽ song không dám. Lỡ không may mắc Covid-19 sẽ gây phiền phức cho các cơ sở mà mình từng ghé”, người đàn ông 34 tuổi, quê huyện Cẩm Xuyên về Hà Tĩnh hôm 24/7, nói.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đội trưởng Cảnh sát giao thông phía Nam (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Tĩnh) cho biết, ngoài xe máy, nhiều người còn di chuyển bằng ôtô cá nhân 5-7 chỗ từ vùng dịch về. Cán bộ ca trực sẽ đo thân nhiệt từng cá nhân về địa bàn, yêu cầu khai báo y tế, cấp số điện thoại để liên lạc. Danh sách của người dân sẽ được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh nắm rõ nhằm điều tra, truy vết dịch tễ khi cần.

“Đa phần người về quê thời điểm này là tự phát, bởi các tỉnh có dịch đã hạn chế đi lại. Qua kiểm tra, một số người có giấy test nhanh âm tính nCoV của chính quyền sở tại, nhiều trường hợp không có”, trung tá Mạnh nói và cho hay, 30 cán bộ liên ngành chia làm bốn ca trực, hoạt động 24/24h với nỗ lực hạn chế dịch xâm nhập ở mức thấp nhất.

Đến nay, cả nước ghi nhận 91.114 ca nhiễm, trong đó TP HCM có số ca nhiễm lớn nhất với 58.198 ca. Riêng Thừa Thiên Huế ghi nhận 15 ca nhiễm, trong đó có 4 ca tự chạy xe máy từ TP HCM, Bình Dương về quê.

Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế dẫn đường cho đoàn xe máy về quê. Video: Hồng Trần

Võ Thạnh – Đức Hùng – Nguyễn Đông

https://vnexpress.net/nguoi-mien-trung-chay-xe-may-hon-nghin-km-tu-tp-hcm-ve-que-4330178.html

Người xem: 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *