Những đặc sản không thể bỏ qua khi đến Khánh Hòa

Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, được nhiều du khách ghé thăm. Nếu sắp có chuyến ghé thăm xứ trầm hương, bạn không nên bỏ qua những đặc sản dưới đây.

Trầm hương

Được mệnh danh là “vua của các loại gỗ, hương của các vị Thần”, trầm hương là một đặc sản của vùng đất này. Thuở xưa, trầm hương thường được đốt trong những dịp đại lễ cúng tế linh thiêng, thể hiện lòng thành kính của con người với tổ tiên đất trời. Giá trị của trầm hương không chỉ là dược chất quý hiếm mà còn mang đậm nét văn hóa lịch sử lâu đời, gắn liền với truyền thuyết về nữ thần Ponagar, Mẹ xứ sở.

Trầm hương – một trong những đặc sản của Khánh Hòa. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch tỉnh Khánh Hòa

Yến sào

“Đệ nhất bát trân ngự thiện” là danh xưng gắn liền với yến sào từ thời xa xưa. Nhờ vào nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học và khoáng vật khác nhau, nơi các đảo yến làm phong phú những nguyên tố đa vi lượng, tạo nên giá trị bổ dưỡng và mùi vị đặc trưng của tổ yến Khánh Hòa.

Tổ yến Khánh Hòa cho giá trị bổ dưỡng và mùi vị đặc trưng. Ảnh: TT Xúc tiến Du lịch tỉnh Khánh Hòa

Nước mắm

Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá khác nhau, nhưng ở xứ trầm hương lại khác. Nước mắm nơi đây phải được làm từ con cá cơm đánh bắt vào mùa xuân, để cho chất vị thơm ngon đặc trưng. Quá trình lên men tự chín của cá cơm kéo dài từ 6 tháng đến 10 tháng, tiếp đó nước mắm được chiết ra từ trong chum vải đem để ngoài nắng. Nước mắm, nhờ thế tăng được độ đạm cùng hương vị thơm ngon đậm đà.

Nem

Là một trong những món đặc sản của Khánh Hòa. Nguyên liệu chính làm nem là loại thịt heo ngon được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của người dân vùng đất Ninh Hòa. Tùy theo mức độ định trước cho nem lên men chua, lâu hay mau mà cho lớp lá dày mỏng thích hợp. Nem chua gói ban ngày đủ độ chua, ăn nem chua kèm với tép tỏi vừa có hương vị đặc biệt vừa có độ dai giòn rất được thực khách ưa chuộng.

Nem Khánh Hòa được thực khách ưa chuộng nhờ có độ dai, giòn đặc trưng. Ảnh: Cẩm nang VH&DL NT-KH

Bánh căn

Bánh căn là loại bánh tròn, được đúc trong khuôn bánh tương tự bánh khọt của người miền Nam. Bánh căn thường được ăn với nước mắm pha sẵn chan ít mỡ hành. Để bánh căn được thơm ngon và lạ mắt, người dân chế biến bằng cách đúc bánh căn với trứng gà, trứng cút, thịt bò hay với các loại hải sản tươi ngon có sẵn ở vùng đất duyên hải này.

Ngày nay, người dân nơi đây chế biến thêm các món ăn kèm với bánh căn như nước cá kho, xíu mại hay xoài xanh bằm sợi. Cách làm món bánh này cũng đơn giản: bột gạo pha sẵn, chờ lò than rực hồng, khuôn bánh nóng lên rồi đổ bột vào từng khuôn, đậy nắp. Vài phút sau, ngửi thấy mùi thơm, mở nắp khuôn, dùng chiếc đũa dẹt nạy quanh vành bánh, dọn ra dĩa và thưởng thức.

Bún lá cá dằm

Món ăn dân dã, nổi tiếng thơm ngon này được nấu từ các loại cá tươi ngon từ vùng biển Hòn Khói. Một trong những bí quyết mang lại hương vị thơm ngon đậm đà của bún lá cá dầm Ninh Hòa là nồi nước dùng luôn trong, không bị đục nước. Khi thưởng thức bún lá cá dầm nên kèm với rau sống xà lách, bắp chuối thái nhỏ trộn với giá, các loại rau thơm, vắt thêm chút chanh, ớt hiểm vừa cay cho hương vị đặc trưng.

Hải sản

Ngoài các món ăn dân dã, Khánh Hòa còn nổi tiếng với những món ăn được chế biến từ nguồn hải sản tươi sống, dồi dào. Hiện nay, các loại hải sản tươi sống tại vùng đất này được khai thác tự nhiên hoặc trong các lồng bè, do người dân địa phương nuôi trồng. Trong đó, có thể kể đến như cá thu, cá ngừ đại dương, cá bớp, cá cờ, cá mú… hay các loại nhuyễn thể như mực nang, mực ống, ốc hương, sò huyết, hàu…

Những năm gần đây, du khách gần xa còn được biết tới các loại rong biển đặc trưng của vùng biển Khánh Hòa, dùng làm thức ăn hay làm thuốc. Cách chế biến các món ăn từ hải sản cũng đa dạng, phong phú bởi nơi đây hội tụ tinh hoa ẩm thực ba miền và nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là cách phục vụ rất linh hoạt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thưởng thức của du khách. Chính những điều này đã góp phần tạo nên nét riêng cho hải sản của vùng đất Khánh Hòa.

Trái cây

Nhắc đến đặc sản trái cây của xứ trầm hương phải kể đến huyện Khánh Sơn. Nằm cách thành phố Cam Ranh khoảng 50 km, Khánh Sơn là vùng đất tụ cư lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai, với khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây đã sản sinh ra các loại trái cây với hương vị thơm ngon đặc biệt mà ít nơi nào sánh được. Có thể kể đến sầu riêng, bưởi da xanh, mía tím, măng cụt, chôm chôm… Hiện nay trên địa bàn huyện Khánh Sơn có hơn 2.700 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có hơn 1.500 ha sầu riêng, hơn 330 ha bưởi da xanh, gần 70 ha chôm chôm và hàng trăm héc-ta các loại cây ăn quả quý như: măng cụt, mít nghệ, cam…

Thư Kỳ

Người xem: 7

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *