Rolls-Royce và Bentley – chuyện hợp tan của hai biểu tượng xa xỉ

 

Thế giới ôtô có nhiều vô kể thương hiệu bình dân, khá nhiều thương hiệu xe sang nhưng chỉ có hai cái tên được gọi là “siêu sang”, đều là hai quý tộc Anh quốc. Xuất phát điểm khác nhau, nhưng mối lương duyên giữa bộ đôi này dường như chưa bao giờ kết thúc.

Cần phải tạo ra những chiếc xe tốt nhất

Charles Rolls sinh ra thuộc tầng lớp quý tộc Anh, thừa hưởng nền giáo dục tốt nhất. Henry Royce là con trai một gia đình bình thường, lăn lộn kiếm tiền từ năm 8 tuổi. Tháng 5/1904 tại khách sạn Midland, thành phố Manchester, một cuộc gặp gỡ mang hai số phận trái ngược đến với nhau. Charles Rolls khi ấy đang làm đại lý ôtô không hài lòng với những chiếc xe nhập khẩu vì chúng không thỏa mãn được máu đam mê tốc độ của mình. Henry Royce nghiện máy móc điên cuồng và vừa tạo ra chiếc xe phẩm chất cao mang tên ông – Royce 10hp. Cái bắt tay giữa hai con người cùng chí hướng với tôn chỉ “tạo ra chiếc xe tốt nhất thế giới mà không cần quan tâm tới giá cả và bán chúng cho những người sẵn sàng trả tiền một cách vui vẻ”, đánh dấu cho sự ra đời chính thức của công ty Rolls-Royce.

Chiếc Royce 10hp. Ảnh: Rolls-Royce

Trước Thế chiến I, hai anh em nhà Bentley, Walter Owen và Horace Millner bán những chiếc xe Pháp của hãng DFP ở Cricklewood, phía Bắc London, nhưng tâm trí Walter lại luôn muốn tạo ra chiếc xe cho riêng mình. Một ngày năm 1913, khi đang làm việc tại nhà máy của DFP, Walter chú ý tới một cục chặn giấy bằng nhôm và ông cho rằng loại vật liệu này thích hợp để thay thế gang giúp tạo ra những chiếc piston nhẹ hơn. Tuy vậy, những chiếc piston bằng nhôm đầu tiên do Walter Owen Bentley chế tạo lại được lắp trên động cơ của một chiếc máy bay, Sopwith Camel – chiến đấu cơ hai tầng cánh do công ty hàng không Sopwith thiết kế phục vụ Không lực Hoàng gia Anh suốt Thế chiến I.

Tháng 8/1919, Walter đăng ký thành lập công ty xe hơi Bentley, khởi đầu chiến dịch quảng bá hãng xe bằng việc trưng bày một khung xe cùng một động cơ mô phỏng tại triển lãm London cùng năm. Cựu kỹ sư Hoàng gia Clive Gallop là người giúp Walter chế tạo mẫu động cơ tiên tiến 4 van trên mỗi xi-lanh cho mẫu xe đầu tiên. Năm 1921, mẫu Bentley 3 Litre có dung tích xi-lanh lớn hơn gấp đôi những chiếc Bugatti đang thống trị các đường đua lúc đó chính thức được bán ra. Thông điệp Walter Owen Bentley gửi gắm vào hãng xe của mình cũng chẳng kém cạnh người đồng hương ở Goodwood, Rolls-Royce, đó là “tạo ra một chiếc xe nhanh và tốt nhất trong phân khúc của nó”. 3 năm sau, chiếc 3 Litre chiến thắng đường đua danh tiếng Le Mans, thế giới bắt đầu biết đến Bentley.

Hai trường phái

Từ khi chiếc 3 Litre về nhất ở Le Mans, Bentley dồn mọi đam mê để chiến thắng cuộc đua này. Suốt 7 năm 1924-1930, chỉ có 2 lần nhà vô địch không gọi tên hãng xe nước Anh. 3 Litre và mẫu Speed Six mang về 4 chiến thắng Le Mans liên tiếp. Tiếng vang từ Le Mans khiến người ta biết đến khái niệm Bentley Boys, ám chỉ những quý ông nước Anh lịch lãm sẵn sàng cởi bỏ bộ vest nhảy lên những chiếc Bentley động cơ cỡ lớn lao vào đường đua bất cứ lúc nào. Trong số đó, Woolf Barnato là gã cuồng si nhất.

Woolf giàu có, thừa hưởng gia tài đồ sộ gồm cả một mỏ vàng, một mỏ kim cương tại Nam Phi đã thử mọi thứ hay ho trên đời, nhưng chẳng có gì khiến Woolf mê mệt bằng việc lái Bentley để chiến thắng. Một hôm có người nói với Woolf một chiếc xe đã chạy nhanh hơn “con tàu xanh” (The Blue Train) của nước Pháp. Chỉ chạy nhanh hơn con tàu đó thôi sao? Woolf cược 200 bảng Anh vào một cuộc đua đường dài.

Bentley Speed Six “Blue Train”. Ảnh: Bentley

Woolf sẽ lái chiéc Speed Six, cùng xuất phát với The Blue Train từ Cannes. Điểm đến sẽ là Calais, cách khoảng 1.200 km. Woolf còn tự tin, ông không dừng lại ở Calais mà sẽ về London trước khi The Blue Train tới được Calais. Và ông không nói chơi.

17h30 khi con tàu rời ga, Woolf cũng nhảy lên chiếc Bentley chạy xuyên màn đêm. 10h30 sáng hôm sau, ông đã tới Calais. Như vậy sau 17 tiếng đi hết 1.200 km, tốc độ trung bình là 70 km/h. Còn The Blue Train tận 3h16 chiều mới tới. Cùng lúc ấy, 3h20 chiều, Woolf đã vượt biển từ Pháp sang Anh để uống trà cùng bạn đồng hành ở thủ đô London.

Những tưởng rằng với các chiến thắng sẽ chẳng có điều gì ngăn cản được cỗ máy Bentley tiếp tục hướng về phía trước thì bất ngờ vào năm 1930, hãng tuyên bố rút khỏi các cuộc đua. Bentley thông báo rằng hãng “đã học được đủ những thứ cần thiết về tốc độ và độ tin cậy”. Nhưng lý do thực sự liệu có đơn thuần như vậy, lịch sử đã trả lời khác.

Trong lúc Bentley đang hướng về tốc độ, Rolls-Royce tập trung vào sự sang trọng thuần túy. Sau khi thành lập không lâu vào năm 1907, giám đốc điều hành của Rolls-Royce, Claude Johnson yêu cầu có một chiếc xe để trình diễn công nghệ. Nguyên mẫu chiếc 40/50 hp, số chassis 60551, đăng ký mã AX201, được lựa chọn. Rolls-Royce đặt tên cho nó là “Silver Ghost”, vì nó tĩnh lặng như một bóng ma với các chi tiết bằng nhôm sáng loáng bao phủ bên ngoài.

Những chiếc xe hơi thời đó vốn nổi tiếng vô cùng kém tin cậy, đường xá thì tệ hại. Rolls-Royce không nghĩ vậy. Silver Ghost đã sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm hà khắc. Chiếc xe hoàn thành quãng đường tổng cộng 24.000 km giữa London và Glasgow trong 27 lần mà không gặp sự cố nào. Người ta cũng tính toán được chi phí để bảo dưỡng cho Silver Ghost chỉ rơi vào khoảng 2,13 Bảng Anh thời đó, một con số không đáng kể. Cùng năm 1907, tạp chí danh tiếng Auto Car tuyên bố Silver Ghost là “chiếc xe tốt nhất thế giới”. 7.874 chiếc Silver Ghost tới tay khách hàng với mức giá trung bình cho phiên bản Mỹ là 170.485 USD quy đổi tỷ giá hiện tại. Nhiều chiếc trong số chúng tới ngày nay vẫn chạy được.

Rolls-Royce thâu tóm Bentley trong Đại suy thoái

Ngày 24/10/1929, Phố Wall sụp đổ. Sản xuất công nghiệp ở Mỹ bốc hơi 46%, tại Anh 23%, trong khi đó sản lượng ôtô xuống dưới mức của năm 1928. Bức tranh việc làm còn tồi tệ hơn thế. Nước Anh chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng 129% còn con số ở nước Mỹ gấp 5 lần, 607%.

Nhu cầu cho những chiếc xe đua động cơ đắt tiền của Bentley lao dốc. Tháng 7/1931, hai khoản thanh toán thế chấp tới hạn mà cả công ty và người bảo lãnh của nó – Woolf Barnato giàu có cũng chẳng thể đáp ứng nổi. Tòa án chỉ định Bentley phải được rao bán để tái cấu trúc. Hãng Napier đề nghị mua lại Bentley và thương vụ sẽ được thực hiện vào tháng 11 cùng năm. Bất ngờ đã xảy ra sau đó khi Quỹ tín thác công bằng Trung ương Anh mới là người chiến thắng trong cuộc mua bán với gói thầu trị giá 125.000 bảng Anh (hơn 8 triệu bảng theo tỷ giá hiện tại), chống lưng đằng sau cơ quan này chẳng phải ai xa lạ, chính là Rolls-Royce.

Rolls-Royce Cullinan trên phố Hà Nội, năm 2019. Ảnh: Minh Quân

Nhưng ngay bản thân Bentley cũng chẳng hề hay biết sự thật ấy cho tới khi thương vụ hoàn tất. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng lớn từ cú sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ khiến Rolls-Royce phải đóng cửa nhà máy tại đây, hãng vẫn chống chọi thành công thay vì vật lộn trong đống nợ nần như Bentley. Woolf Barnato và nhà sáng lập Walter Owen tiếp tục có mặt trong danh sách hội đồng quản trị của một Bentley mới. Chỉ có điều giờ đây, mọi định hướng của Bentley thuộc về Rolls-Royce.

Nhiệm vụ lúc này được phân công rõ ràng, Rolls-Royce vẫn tạo ra những chiếc xe sang trọng thuần túy còn phân nhánh Bentley tiếp tục với những mẫu thể thao hiệu suất cao hàng đầu. Bentley ngay lập tức thông báo trở lại đường đua và sống dưới mái nhà Rolls-Royce suốt gần 70 năm sau.

Chia ly

Cuối những năm 1960, Rolls-Royce loay hoay với vấn đề tài chính vì việc phát triển động cơ phản lực tiên tiến RB211 ngốn quá nhiều chi phí. May mắn là cuối cùng dự án cũng thành công, nhưng mảng ôtô với lợi nhuận chẳng đáng là bao lại trên bờ vực chông chênh. Tới 1971, các hoạt động cốt lõi làm ra tiền được mua lại bởi một công ty thuộc sở hữu Chính phủ mang tên Rolls-Royce Limited tiếp tục đảm nhiệm vai trò sản xuất động cơ máy bay và các thiết bị hàng không liên quan. Rolls-Royce Motors Holdings được tách riêng và bán lại cho hãng vũ khí quân đội Vickers vào năm 1980. Nhưng Vickers cũng chẳng vực nổi Rolls-Royce già nua và đành rao bán hãng siêu sang năm 1998.

Ai đủ sức với tới đẳng cấp siêu sang? Bởi giải cứu không phải một, mà là hai thương hiệu quyền uy nhất: Rolls-Royce và chính phân nhánh Bentley của nó. Nước Đức ngay lập tức đưa ra lời đề nghị khi cả ba ông lớn BMW, Volkswagen và Daimler nhảy vào cuộc thâu tóm. Kết quả vào 2003, sau bao tranh chấp phức tạp, BMW sở hữu hoàn toàn Rolls-Royce Motors Car còn Volkswagen có được Bentley. Một lần nữa, hai niềm tự hào của nước Anh lại trở thành đối trọng lớn nhất của nhau như thuở ban đầu.

Hồi sinh và phá lệ

Cả BMW lẫn Volkswagen đều không làm mất đi giá trị siêu sang của Rolls-Royce và Bentley. Mọi công nghệ tốt nhất, mới nhất luôn được áp dụng cho hai thương hiệu quý tộc. Khách hàng chưa bao giờ phải lo lắng rằng chiếc xe của họ chỉ là một bản nâng cấp của chiếc xe sang đắt nhất như cách Mercedes đang làm với Maybach. Rolls-Royce và Bentley thậm chí ngày càng đắt đỏ hơn, bởi cả hai còn muốn giới hạn số lượng xe bán ra trên toàn thế giới. Năm kinh doanh tốt nhất 2019, Rolls-Royce cũng chỉ bán 5.152 xe. Bentley thì vừa lập kỷ lục năm ngoái với 11.206 chiếc tới tay khách hàng.

Bentley Bentayga 2021. Ảnh: Bentley

Suốt một thế kỷ, cả hai đều nói không với SUV, vì chúng không đại diện cho truyền thống. Nhưng rồi khi các khách hàng siêu giàu mới không chỉ muốn dạo chơi trên phố mà đôi khi họ muốn chút phiêu lưu thì những chiếc sedan khó hoàn thành nhiệm vụ. Vậy là sau rất nhiều thời gian nâng lên đặt xuống, Rolls-Royce và Bentley đều phá lệ, chế tạo chiếc SUV đầu tiên của mình. Cách đặt tên cho hai chiếc siêu sang hoàn toàn mới cũng chẳng thể tầm thường.

Bentley muốn một cái tên phản ánh rằng chiếc SUV của họ sẽ mang trải nghiệm về Bentley tới một môi trường mới. Roque Bentayga là đỉnh núi hiểm trở trên dãy Gran Canaria, còn Taiga là khu rừng cận Bắc Cực rộng lớn. Kết hợp cả hai, thế giới chào đón Bentley Bentayga vào năm 2016.

Một trăm năm qua, Rolls-Royce đã có các “bóng ma” nổi tiếng: Ghost, Phantom, Wraith, chẳng lẽ lại thêm một cái tên “bóng ma” nữa? Dù là một chiếc SUV nhưng nó vẫn phải tĩnh lặng tuyệt đối, vì nó là Rolls-Royce. Câu trả lời mang tên “Cullinan”, viên kim cương thô lớn nhất thế giới. Phải rồi, còn gì quyền quý hơn kim cương? Thô ráp nhưng tĩnh lặng, ẩn chứa giá trị thượng thừa bên trong. 2 năm sau khi đối thủ Bentayga ra đời, Rolls-Royce Cullinan xuất hiện với giá từ 325.000 USD, gấp đôi chiếc Bentayga rẻ nhất. Bộ đôi nhanh chóng trở thành mẫu xe thành công cho cả hai thương hiệu. Bentayga leo lên vị trí model bán chạy nhất của Bentley năm 2020 còn Cullinan cũng “cháy hàng” thường xuyên.

Sau tất cả, mọi sự so sánh giữa Rolls-Royce và Bentley đều có những thú vị riêng. Nhưng chắc chắn không phải ở giá bán vì chúng đều có các chương trình bespoke cá nhân hóa khiến mức giá sau cùng về lý thuyết chỉ phụ thuộc vào trí tưởng tượng của khách hàng.

Nếu muốn sự sang trọng thuần túy, được bao quanh bởi sự tĩnh lặng xa xỉ với cả bộ sưu tập yêu thích, bạn hãy chọn Rolls-Royce. Còn nếu muốn hiệu suất hàng đầu nhưng phải sang trọng hơn chiếc Mercedes-Maybach đắt nhất, đó chắc hẳn nên là Bentley.

https://vnexpress.net/rolls-royce-va-bentley-chuyen-hop-tan-cua-hai-bieu-tuong-xa-xi-4345911.html

Thái Hoàng

Người xem: 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *